Nguyên cớ khiến Tazaki Tsukuru bị cái chết lôi kéo quyết liệt đến vậy
rất rõ ràng. Vào một ngày nọ, gã được bốn người bạn đã chơi thân với nhau
từ lâu thông báo rằng: Tất cả bọn tớ không muốn gặp mặt cậu, cũng không
muốn nói chuyện với cậu nữa. Một cách dứt khoát, đường đột và không một
lối ngỏ cho sự thỏa hiệp. Gã không được giải thích gì về cái lý do khiến
mình phải nhận lấy một thông báo khắc nghiệt như vậy. Về phần mình, gã
cũng không gặng hỏi.
Bốn người đó là bạn thân của gã từ thời cấp ba, nhưng chỉ có một mình
Tsukuru là rời quê lên Tokyo học đại học. Bởi vậy việc bị gạt ra khỏi nhóm
cũng không có gì là bất tiện đối với cuộc sống thường nhật của gã. Cũng
không có chuyện cảm thấy khó xử nếu phải bắt gặp họ trên đường. Tuy
nhiên, đấy chỉ là nói trên phương diện lý trí. Việc ở cách xa bốn người bọn
họ, trái lại càng khiến nỗi đau mà Tsukuru cảm thấy được nhân lên và nhức
nhối hơn. Nỗi niềm bị xa lánh và cô độc biến thành sợi cáp dài hàng trăm
cây số, bị kéo căng bởi một chiếc máy tời khổng lồ quay tít. Thế rồi thông
qua sợi dây đang căng lên hết mức ấy, những thông điệp khó giải mã được
chuyển tới gã bất kể ngày đêm. Những âm thanh, giống như trận cuồng
phong thổi xuyên qua những thân cây, vừa thay đổi cường độ vừa đâm vào
tai gã từng hồi.
Năm người học chung một lớp tại ngôi trưởng cấp ba công lập nằm ở
ngoại ô thành phố Nagoya. Họ gồm ba nam, hai nữ. Mùa hè năm lớp mười,
họ thành bạn của nhau khi tham gia một hoạt động thiện nguyện, và cho tới
những năm sau, dù bị tách lớp, họ vẫn tiếp tục là một nhóm thân thiết. Hoạt
động này vốn là bài tập hè môn xã hội, tuy nhiên ngay cả khi thời hạn quy
định đã kết thúc, nhóm vẫn chủ động và tự nguyện tiếp tục công việc.
Ngoài hoạt động tình nguyện, vào những ngày nghỉ, cả nhóm thường đi
dã ngoại, chơi tennis, hoặc đi bơi ở bán đảo Chita, hoặc tập trung ở nhà ai đó
để cùng nhau ôn thi. Hoặc (thực ra thì việc này là nhiều nhất) chụm đầu trò
chuyện không biết chán ở bất cứ đâu. Họ không đưa ra một chủ đề cụ thể
nào, nhưng đề tài thì không bao giờ cạn.