hay nhằm vào điểm yếu này mà trêu chọc. Rồi rốt cuộc Đỏ cũng phải bật
cười. Cha cậu ta là giáo sư khoa Kinh tế của trường Đại học Nagoya.
Xanh là tiền đạo của đội bóng bầu dục, về thể hình thì khỏi phải chê.
Năm lớp mười hai, cậu ta giữ băng đội trưởng. Bờ vai lực lưỡng, ngực nở,
trán rộng, miệng lớn, mũi bè. Là một cầu thủ năng nổ nên thương tích liên
miên. Cậu ta không mấy tỏ ra có chí hướng với việc học hành nghiêm chỉnh,
nhưng được nhiều người yêu mến vì tính cách cởi mở. Khi nói chuyện, bằng
một chất giọng rành rẽ, cậu ta luôn nhìn thẳng vào mắt người khác. Là một
tay phàm ăn đáng kinh ngạc, cậu ta ăn gì trông cũng ngon miệng. Cậu ta
hiếm khi nói xấu ai, ngay lập tức có thể nhớ tên và mặt người khác. Sẵn
sàng lắng nghe người đối diện, rất biết cách đoàn kết tập thể. Đến giờ
Tsukuru vẫn còn nhớ rõ cái cảnh cậu ta tập hợp đội thành một vòng tròn,
truyền cảm hứng và quyết tâm cho đồng đội trước mỗi trận đấu bóng bầu
dục.
Cậu ta hô lớn: “Các cậu nghe rõ đây, trận này chúng ta sẽ thắng. Vấn đề
của chúng ta là thắng như thế nào, và thắng bao nhiêu. Chúng ta không có
lựa chọn nào tên là bại trận. Các cậu rõ chưa, chúng ta không có lựa chọn
nào tên là bại trận!”
“Chúng ta không có!” Đám cầu thủ hô lớn, rồi tản ra sân.
Nhưng đội bóng bầu dục của trường gã thì chẳng lấy gì làm mạnh cho
lắm. Xanh tất nhiên là một cầu thủ thông minh, có năng lực chơi bóng trời
phú, song trình độ chung của cả đội thì chỉ ở mức thường thường bậc trung,
thành thử chuyện nếm mùi thất bại một cách chóng vánh trước những đội
bóng mạnh tới từ các trường cấp ba tư thục sẵn sàng cấp học bổng để mang
về những cầu thủ xuất sắc trên khắp cả nước nhiều như cơm bữa. Tuy nhiên
sau khi trận đấu kết thúc, Xanh hầu như không còn quan tâm nhiều tới
chuyện thắng thua. “Ý chí giành chiến thắng mới là điều quan trọng.” Cậu ta
thường bảo vậy. “Trong đời mình, chúng ta không thể cứ thắng mãi được.
Có lúc thắng thì cũng có lúc thua.”