nhau ra sao? Song rốt cuộc chẳng ai xuất hiện. Tsukuru như trút được gánh
nặng, nhưng một mặt cũng cảm thấy thoáng chút buồn lòng. Vậy là điều đó
đã thực sự kết thúc, gã một lần nữa chạm vào cái cảm giác ấy. Sẽ không bao
giờ còn trở lại như cũ. Dù sao, khi ấy, bọn họ đều đã ba mươi tuổi. Đâu còn
cái tuổi để mà mộng mơ về một cộng đồng thống nhất, hài hòa.
Có lần Tsukuru đọc được một thống kê trên một tờ tạp chí hoặc tờ báo
nào đó nói rằng, cỡ chừng một nửa số người trên thế giới không hài lòng với
tên gọi của mình. Nhưng gã thì thuộc về một nửa may mắn còn lại. Ít ra, gã
chưa bao giờ thấy bất mãn với cái tên mình được đặt cho. Hay nói đúng hơn,
gã không thể hình dung nổi bản thân sẽ như thế nào nếu mang một cái tên
khác, hoặc cuộc đời gã sẽ ra sao nếu mình mang cái tên khác ấy.
“Tsukuru” trong tên gã nghĩa là “Tác”
nếu viết bằng chữ Hán, nhưng
ngoài các giấy tờ chính thức, gã thường chỉ viết theo âm Nhật là “Tsukuru”,
bởi thế bạn bè ai cũng đinh ninh cái tên “Tsukuru” của gã không có chữ
Hán. Chỉ có mẹ và hai chị gái gọi gã là Saku
hoặc Saku-chan. Vì hằng ngày
gọi như thế thì thuận miệng hơn.
Người đặt cho gã cái tên này là cha gã. Hình như ông đưa ra quyết định
đặt tên cho đứa con trai đầu tiên là “Tsukuru” từ khá lâu trước khi gã chào
đời. Gã không biết vì sao. Bởi lẽ, cuộc đời của cha gã thuộc về một nơi rất
xa cái hành vi tạo ra những đồ vật. Hay là cha gã đã nhận được một sự mặc
khải nào đó, vào một thời điểm nào đó. Một tia sét vô hình kèm theo một
tiếng rền vô thanh đã khắc sâu vào vỏ não ông dòng chữ “Tsukuru”. Song,
cha gã chưa một lần nói về nguồn gốc của cái tên này với Tsukuru, hay với
bất cứ ai.
Nhưng nghe đâu ông đã phải phân vân không ít trong việc chọn chữ
“Sáng” hay chữ “Tác”
cho cái tên “Tsukuru”. Cùng một âm đọc, song
đường đời người ta sẽ khác đi rất nhiều tùy vào con chữ. Mẹ gã khuyên ông
dùng chữ “Sáng”, nhưng sau nhiều ngày nghiền ngẫm, ông đã chọn đằng thô
kệch hơn, ấy là chữ “Tác”.