biết tác giả. Nhưng đó là một bản nhạc chứa đầy nỗi bi ai lặng lẽ. Giai điệu
chính đầy ấn tượng, chậm rãi được chơi với các đơn âm trong đoạn mở đầu.
Một khúc biến tấu êm đềm. Tsukuru rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, hỏi
Haida tên bản nhạc.
“ ‘Le Mal du Pays’ của Franz Liszt. Thuộc quyển ‘Năm thứ nhất: Thuỵ
Sĩ’ nằm trong tập tác phẩm ‘Những năm hành hương’.”
“ ‘Le Mal du…’?”
“Le Mal du Pays, tiếng Pháp. Thường được dùng với nghĩa là hoài
hương hoặc sầu muộn, nhưng nói cho rõ hơn thì là ‘nỗi ưu sầu vô cớ mà
cảnh điền viên gợi lên trong lòng người’. Môt từ khó dịch cho chính xác.”
“Một cô gái mà tớ từng biết thường hay chơi bản nhạc này. Bạn cùng
lớp hồi cấp ba.”
“Em cũng thích bản nhạc này từ xưa. Nhưng không phải một bản nhạc
được biết đến rộng rãi lắm.” Haida nói. “Bạn anh chơi dương cầm rất giỏi
phải không?”
“Tớ không am hiểu âm nhạc, nên không nhận xét được là giỏi hay kém.
Nhưng lần nào được nghe, tớ cũng cảm thấy đó là một bản nhạc đẹp. Nói thế
nào nhỉ? Nó chứa đầy nỗi ưu sầu dịu nhẹ, nhưng không hề sướt mướt.”
“Nếu có thể cảm nhận được như thế thì chắc chắn đó là một người chơi
đàn rất giỏi.” Haida nói. “Bản nhạc này về mặt kỹ thuật thoạt nhìn có vẻ đơn
giản, nhưng không dễ thể hiện. Nếu chỉ chơi đúng các nốt nhạc, nó sẽ trở
thành một bản nhạc không thú vị, cũng chẳng ra gì. Ngược lại, nếu thể hiện
quá đà thì lại sẽ trở nên rẻ rúng. Tính chất của bản nhạc có thể biến đổi hoàn
toàn chỉ nhờ vào một yếu tố duy nhất là cách sử dụng bàn đạp.”
“Nghệ sĩ chơi bản này tên là gì?”
“Lazar Berman. Nghệ sĩ dương cầm người Nga, ông chơi Liszt giống
như đang vẽ một bức tranh phong cảnh trong tâm tưởng đầy tinh tế. Các bản
nhạc soạn cho piano của Liszt thường được cho là thiên về kỹ thuật và hời
hợt. Dĩ nhiên, cũng có những tác phẩm rất lắt léo theo kiểu như vậy, nhưng