nếu nghe chăm chú từ đầu đến cuối, sẽ thấy bên trong chúng hàm chứa một
chiều sâu độc đáo. Tuy nhiên, chiều sâu ấy, trong hầu hết trường hợp, lại
được khéo léo giấu kín dưới một lớp trang sức. Điều đó đặc biệt đúng với
tập ‘Những năm hành hương’ này. Trong số các nghệ sĩ dương cầm còn
sống, không nhiều người có thể chơi Liszt được đúng và đẹp. Theo quan
điểm của em, mới đây nhất thì chỉ có Berman, còn xa xưa hơn thì chỉ có
Claudio Arrau.”
Hễ cứ nói tới âm nhạc là Haida sôi nổi hẳn lên. Cậu ta tiếp tục nói về
những nét đặc trưng trong diễn tấu Liszt của Berman, song Tsukuru hầu như
không để vào tai. Thật kinh ngạc, trong óc gã, hình ảnh Trắng đang chơi bản
nhạc ấy dần hiện lên sống động như trong một không gian ba chiều. Cứ như
thể một vài khoảnh khắc đẹp đẽ ở đó đang chống lại lực cản tất yếu của thời
gian, từng bước vững chắc lội ngược dòng kênh.
Cây dương cầm ba chân của hãng Yamaha đặt trong phòng khách nhà
Trắng. Dây đàn luôn được chỉnh đúng âm, phản ảnh nét tính cách chỉnh chu,
tỉ mỉ của cô. Trên bề mặt mỹ miều của nó không một vết mờ, không một dấu
vân tay. Ánh nắng buổi chiều rọi vào từ cửa sổ. Bóng cây hoàng đàn đổ
ngoài sân. Cánh rèm đăng ten đung đưa trước gió. Tách trà trên bàn. Mái tóc
đen của cô được búi gọn đằng sau, và ánh mắt nghiêm trang chăm chú nhìn
bản nhạc. Mười ngón tay dài và đẹp đặt trên những phím đàn. Đôi chân nhấn
lên bàn đạp ẩn chứa sức mạnh không thể tưởng tượng ra ở cô những lúc bình
thường, và chính xác. Bắp chân trắng mịn như một món đồ sứ tráng men.
Khi được đề nghị biểu diễn gì đó, cô thường chơi bản nhạc này. “Le Mal du
Pays” – nỗi ưu sầu vô cớ mà cảnh điền viên gợi lên trong lòng người; hoài
hương, hay sầu muộn.
Trong lúc nhắm hờ mắt và lắng tai nghe, gã thấy một cảm giác khó thở
buồn thắt ở sâu trong lồng ngực. Tựa như vừa hít phải một tảng mây nhỏ
cứng ngắc. Bản nhạc trong đĩa than kết thúc, bản tiếp theo đã nổi lên, song
Tsukuru vẫn im lặng, để mặc tâm trí đắm chìm vào những cảnh tượng hiện
ra. Trong lúc đó, Haida thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía Tsukuru.