“Có lẽ là như thế.” Haida nói.
“Không thể nghĩ được là khoa Vật lý của trường công nghệ lại dạy kĩ
thuật đó.”
Haida cười. “Em không có ý định học cái đó ở trường đại học. Thứ mà
em tìm kiếm ở đây đơn giản chỉ là một môi trường và khoảng thời gian tự
do. Em không tìm kiếm điều gì hơn thế. Suy nghĩ điều gì đó ở trong đầu
nghĩa là như thế nào? Để bàn câu chuyện này trong một bối cảnh học thuật,
ta sẽ cần đến một định nghĩa có tính lý thuyết. Đây là một việc rất rắc rối.
Sáng tạo không gì khác hơn là sự bắt chước khôn ngoan. Voltaire, người
theo chủ nghĩa hiện thực, đã nói vậy.”
“Cậu cũng nghĩ thế à?”
“Mọi thứ đều cần có khuôn khổ. Tư duy cũng vậy. Không việc gì phải
sợ khuôn khổ, song cũng đừng sợ phá vỡ khuôn khổ. Đây là điều tối quan
trọng để con người có được tự do. Vừa kính nể vừa căm ghét khuôn khổ.
Mọi thứ quan trọng trong cuộc đời đều có tính hai mặt. Em chỉ có thể nói
được như vậy.”
“Tớ có điều này muốn hỏi cậu.” Tsukuru nói.
“Điều gì ạ?”
“Ở nhiều tôn giáo, trong hầu hết các trường hợp, các nhà tiên tri nhận
được thông điệp từ đấng tuyệt đối trong trạng thái ngây ngất.”
“Đúng vậy.”
“Có nghĩa là điều đó được thực hiện trong trạng thái vượt lên trên ý chí
tự do? Tất nhiên là theo một cách thụ động.”
“Đúng vậy.”
“Thế rồi thông điệp đó vượt ra khỏi khuôn khổ cá nhân của nhà tiên tri,
gây ra tác động rộng rãi và phổ biến.”
“Đúng vậy.”
“Ở đó không có tính đối nghịch, cũng không có tính hai mặt.”