Nói chuyện mới biết, hoá ra ông ta đọc rất sâu và có hệ thống các loại sách
như vậy. Xem ra ông ta không chỉ đọc rặt một loại tiểu thuyết huyền bí vô
hại.
“Vậy à, nghĩa là cậu tin vào Logic.” Midorikawa nói.
“Vâng. Về cơ bản tôi tin tưởng và trông cậy vào logic, bởi vì nó vốn là
một môn học có vai trò như vậy.” Haida đáp.
“Cậu không thích những gì trái với logic?”
“Tôi không yêu hay ghét, và cũng không bao giờ loại bỏ mọi thứ trái
với logic ra khỏi đầu mình. Bởi vì tôi không tin tưởng logic một cách mù
quáng. Tôi cho rằng việc tìm ra giao điểm giữa những gì trái logic với tính
logic cũng là một nhiệm vụ quan trọng.”
“Chẳng hạn, cậu có tin vào ác quỷ không?”
“Ác quỷ? Ông muốn nói đến con quỷ có sừng ấy hả?”
“Đúng vậy. Tất nhiên là không hiểu nó có sừng thật hay không.”
“Nếu đó là một con quỷ dưới dạng ẩn dụ của cái ác thì tất nhiên tôi có
thể tin.”
“Thế còn lại ác quỷ là ẩn dụ của cái ác nhưng có hình dạng của hiện
thực thì sao?”
“Cái đó thì tôi không biết nếu chưa trông thấy tận mắt.” Haida nói.
“Đến lúc trông thấy tận mắt thì e rằng quá muộn.”
“Dù sao, chúng ta cũng chỉ đang nói về giả thuyết. Để đi vào bản chất
câu chuyện này, cần có những ví dụ cụ thể, rõ ràng hơn. Giống như để xây
cầu thì cần phải có các cây dầm vậy. Giả thuyết là thứ càng khai triển càng
thiếu vững chắc, và kết luận mà nó đưa ra chẳng dùng được vào việc gì.”
“Ví dụ cụ thể?” Midorikawa hỏi lại. Ông ta nhấp một hơi, rồi chau
mày. “Nhưng đôi khi một ví dụ cụ thể như vậy, vào thời điểm nó xuất hiện,
sẽ quy chiếu mọi thứ về một điểm duy nhất: chấp nhận hay không chấp
nhận, tin hay không tin. Ở đó không có dạng trung gian. Lấy ví dụ như trạng