Umberto Eco
Tên của đóa hồng
Dịch giả: Đặng Thu Hương
KHỞI ĐẦU TỪ MỘT BẢN THẢO
Vào ngày 16 tháng 8 năm 1968, tôi được trao một quyển sách do một linh
mục Vallet nào đó viết, Bản thảo của Dom Adson xứ Melk dịch sang tiếng
Pháp từ ấn bản của Dom J. Mabillon (do Nhà In của Tu viện Source, ở
Paris, xuất bản năm 1842). Được bổ sung bằng những cứ liệu lịch sử quả
thực vô cùng hiếm hoi, quyển sách tuyên bố đã tái hiện một cách trung thực
một bản thảo hồi thế kỉ 14, mà trước kia đã được một học giả vĩ đại ở thế
kỷ 18 tìm thấy trong một tu viện ở Melk, người đã cho chúng ta lượng tư
liệu lớn về lịch sử của dòng Benedict. Phát hiện mang tính học thuật này
(tôi muốn nói của tôi, theo thứ tự xếp hàng thứ ba) khiến tôi vô cùng thích
thú trong thời gian lưu lại Prague để đợi một người bạn thân. Sáu ngày sau
khi quân đội Xô Viết tiến vào thành phố này, tôi xoay xở đến được biên
giới Áo ở Linx, và từ đó đi đến Viên, nơi tôi hội ngộ với bạn thân yêu của
tôi và cùng nhau ngược dòng Danube.
Trong một trạng thái hưng phấn trí tuệ, tôi say mê đọc câu chuyện khủng
khiếp của Adso xứ Melk, và đắm đuối vào quyển sách đến nỗi, trong một
cơn hứng chí, tôi đã hoàn thành bản dịch. Trong thời gian đang dịch, chúng
tôi đã đến địa phận xứ Melk, nơi Tu viện nguy nga Stift tọa lạc trên một
khúc rẽ của dòng sông, đứng bền vững cho tới ngày nay sau vài ba lần
trùng tu trong nhiều thế kỷ. Như bạn đọc hẳn đã đoán trước, trong Thư viện
của Tu viện này, tôi chẳng tìm thấy một dấu vết nào về bản thảo của Adso.
Trước khi chúng tôi đến Salzburg, vào một đêm định mệnh, tại một khách
sạn nhỏ trên vùng biển Mondsee, người bạn đồng hành của tôi đột nhiên
biến mất, mang theo quyển sách của Abbé Vallet, nhưng không phải do thù
ghét tôi, mà do anh đã ra đi quá bất ngờ và vội vã. Thế là tôi bị bỏ lại với
một số tập bản thảo trong tay, và một cảm giác trống rỗng mênh mông
trong lòng.
Vài tháng sau, tại Paris, tôi quyết định hoàn tất đến cùng công trình nghiên