quyền giám hộ của một học giả dòng Francisco, Sư Huynh William xứ
Baskerville, hiện sắp nhận lãnh một sứ mệnh sẽ đưa ông đến các thành phố
nổi tiếng và tu viện cổ xưa. Thế là tôi trở thành môn đệ, đồng thời là người
ghi chép của Thày William, và tôi chẳng bao giờ ân hận về việc này, vì
cùng với ông, tôi đã được chứng kiến những biến cố đáng thuật lại, như tôi
hiện đang ghi để truyền cho hậu thế.
Lúc bấy giờ tôi chẳng biết thầy William đang tìm kiếm điều gì, và tình thực
mà nói, đến ngày nay tôi vẫn chưa biết. Tôi cho rằng bản thân ông cũng
không biết, mặc dù chỉ có hai điều luôn ám ảnh ông, đó là lòng khát khao
tìm chân lý và sự hoài nghi rằng chân lý không phải lúc nào cũng hiện ra
trước mắt. Có lẽ trong những năm đó, nhiệm vụ thế tục đã khiến ông xao
nhãng các công việc nghiên cứu thân thương của mình. Trong suốt hành
trình, tôi vẫn chẳng biết tí gì về sứ mệnh đã trao cho thầy William, hay có
lẽ ông chẳng bao giờ nói với tôi về việc đó. Chính nhờ nghe lỏm các mẩu
đối thoại với các Cha bề trên của các tu viện nơi chúng tôi dừng chân, tôi
mới hình dung được vài nét về bản chất của sứ mệnh này. Nhưng chỉ khi
đến đích, tôi mới hoàn toàn hiểu rõ nó, như tôi sắp kể ra liền đây. Đích của
chúng tôi ở phương Bắc, tuy vậy hành trình của chúng tôi không theo một
đường thẳng và chúng tôi đã nghỉ ở nhiều tu viện khác nhau. Thế cho nên,
chúng tôi đang rẽ về hướng Tây trong khi mục tiêu cuối cùng lại nằm ở
hướng Đông. Chúng tôi hầu như men theo đường núi chạy từ Pisa theo
hướng đường hành hương đến Santiego, rồi dừng chân tại một nơi mà
những biến cố kinh khủng xảy ra ở đó đã khiến tôi chẳng muốn miêu tả rõ
vị trí làm gì. Các Lãnh chúa ở đó đều là chư hầu của triều đình, và các Cha
bề trên trong dòng tu của chúng tôi đều nhất trí chống lại đức Giáo hoàng
suy đồi và lạc đạo. Hành trình của chúng tôi kéo dài hai tuần, trải qua nhiều
nỗi thăng trầm, và trong thời gian đó, tôi có dịp biết rõ ông thầy mới của
tôi.
Trong những trang sắp tới, tôi sẽ không sa vào việc miêu tả nhân vật – trừ
khi một biểu hiện trên gương mặt, hay một cử chỉ hiện ra như dấu hiệu của
một ngôn ngữ không lời hùng hồn – vì, như Boethius nói – không có gì phù
du hơn hình thể bên ngoài, vốn sẽ tàn úa, biến đổi đi như hoa trên đồng khi