của một quyển sách nhỏ tiếng Ai-cập về nghệ thuật giả kim, sao nó lại ở
trong bộ này?
- Đó là một tác phẩm Ai-cập từ thế kỷ thứ ba, trong thời đại chúng ta. Nó
liên hệ với các tác phẩm theo sau, nhưng ít nguy hiểm hơn, không ai để tai
nghe những lời lảm nhảm của một tên giả kim Châu Phi. Hắn qui việc tạo
ra thế gian này cho tiếng cười thiêng liêng… - Lão ngước mặt lên đọc, với
trí nhớ phi thường của một độc giả mà bốn mươi năm nay vẫn tự nhắc mình
những điều đã đọc được khi còn sáng mắt: - Khi Chúa cười thì bảy vị thần
cai quản thế gian được sinh ra. Khi Ngài bật cười thì ánh sáng hiện ra, Ngài
cười tiếng thứ hai thì nước tuôn, Ngài cười đến ngày thứ bảy thì linh hồn
xuất hiện… Điên rồ. Tác phẩm theo sau cũng vậy, nó do một trong vô số gã
ngốc đặt cho mình nhiệm vụ trau chuốt “Bữa tiệc” viết… Nhưng chúng
không phải là thứ Huynh chú ý đâu.
Thầy William thực ra đã giở nhanh các trang sách và lần đến bản tiếng Hy-
Lạp. Tôi thấy ngay rằng các trang này làm bằng một loại giấy khác, mềm
hơn, những trang đầu gần như cũ mèm, một phần lề đã bị hư hại, vấy
những vết dơ mờ mà thời gian và ẩm mốc thường cũng gây cho các quyển
sách khác. Thầy William đọc những dòng mở đầu, thoạt tiên bằng tiếng
Hy-lạp, rồi thầy dịch ra tiếng La-tinh để tôi cũng có thể biết quyển sách tai
hại ấy bắt đầu như thế nào.
Trong tập một, chúng tôi đã bàn về bi kịch và chứng minh bằng cách
nào, nhờ khơi dậy sự thương hại và nỗi sợ hãi, nó phát sinh sự hồi hộp
phấn chấn, sự thanh lọc các xúc cảm này. Như đã hứa, giờ đây chúng
tôi sẽ bàn về hài kịch (cũng như về trào phúng và kịch câm), và chứng
minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy thú vui cười cợt, nó đạt đến được
sự thanh lọc đam mê đó. Một đam mê như vậy đáng cho chúng ta
quan tâm hàng đầu, chúng tôi đã nói như thế trong quyển sách về linh
hồn, vì con người là sinh vật duy nhất có khả năng cười. Chúng tôi sẽ
định nghĩa các loại hành động, trong đó hài kịch đóng vai trò ngụy