Umberto Eco
Tên của đóa hồng
Dịch giả: Đặng Thu Hương
KINH TRƯA
Adso ngưỡng mộ cánh cửa giáo đường.
William hội ngộ Ubertino
Giáo đường này không nguy nga như những giáo đường sau này tôi gặp ở
Strasbourg, Chartres, Bamberg và Paris. Nó khá giống những ngôi giáo
đường tôi đã gặp ở Ý, với khuynh hướng vươn thẳng lên trời xanh đến phát
chóng mặt, nhưng thực sự lại trụ rất chắc trên mặt đất, chiều ngang thường
lớn hơn chiều cao. Ở từng thứ nhất, giáo đường được vây bọc bởi một dãy
tường vuông điểm những lỗ châu mai giống như một pháo đài, trên tầng
này nổi lên một cấu trúc khác, một giáo đường kiên cố thứ hai, trông hơi
giống một ngọn tháp, mái lát đá, trổ nhiều cửa sổ dáng cứng, khắc khổ. Đó
là một giáo đường uy nghi như cha ông ta đã xây dựng ở Provence,
Languedoc, khác hẳn những hình khối trơ trẽn và kiểu trang trí mang gân
quá độ của kiến trúc hiện đại mà mấy thế kỷ gần đây mới chú ý tô điểm cho
chỗ ca đoàn đứng hát thêm một tháp nhọn táo bạo đâm thẳng lên trời.
Hai cột thẳng, không chạm trổ, dựng ở hai bên cổng vào mà lúc mới thoạt
nhìn, mở ra như một vòm cung vĩ đại, nhưng từ hai cột này lại mở ra hai ô
cửa, trên đó chồng chất tầng tầng lớp lớp các vòm cung khác nữa, hướng
tầm nhìn về phía lối vào chính diện, như thể vào tận cùng sâu thẳm của đáy
vực. Trên đỉnh của lối vào chính này là một mạng đồ sộ, có hai chân vòm
chống đỡ hai bên và một cột chạm trổ trụ ở giữa. Cột này chia lối vào thành
hai bên, bao quanh bởi những cánh cửa bằng gỗ sồi bọc kim loại. Vào thời
điểm đó, mặt trời yếu ớt hầu như đang rọi thẳng xuống mái nhà và ánh
nắng rơi xiên xiên xuống chính diện mà không soi sáng khối mạng trung
tâm; do đó, sau khi băng ngang hai cây cột, thầy trò tôi đột nhiên thấy mình
lọt vào khu vòm dày đặc những hình cung phát sinh từ hàng loạt dãy cột