ngửi mùi xe mới mua không gì sánh nổi ấy, mà theo lời người mua là mùi
tiền được tiêu đúng chỗ. Nhưng bà T. bị rối loạn làm ảnh cưỡng bức. Ông
có thể tin là bà đã bỏ qua chiếc chìa khóa dự phòng và để nó trong hộc
đựng găng tay, nhưng nếu bà ta đã mang theo chìa khóa chính cái đêm thứ
Năm đó, hẳn là bà ta cũng đã khóa cửa xe rồi chứ? Bà ta nói đã khóa rồi, và
kiên định với điều đó đến cùng, và thực sự thì, thử nghĩ về điều đó…
“Bác Hodges?”
“Với loại chìa khóa thông minh kiểu mới, đó là một quy trình ba bước
đơn giản đúng không?” ông nói. “Bước một, tắt động cơ. Bước hai, rút chìa
khóa ra khỏi ổ. Nếu tâm trí ta còn đang mải để vào chuyện khác và quên
mất bước hai thì đã có tiếng tít tít nhắc nhở. Bước ba, đóng cửa và bấm cái
nút có hình ổ khóa. Tại sao ta lại có thể quên điều đó được, khi mà chiếc
chìa khóa ngay trong tay? Chống Mất cắp cho Người đần.”
“Đúng roài, bác H., nhưng kiểu gì thì một số người ngốc vẫn quên.”
Hodges còn mải theo dòng suy nghĩ nên không chấn chỉnh. “Bà ấy
không đần. Căng thẳng và bứt rứt nhưng không ngu ngốc. Nếu bà ấy đã rút
chìa khóa, thì bác gần như buộc phải tin là bà ấy đã khóa xe. Và chiếc xe
thì không bị phá khóa để đột nhập. Vậy kể cả là bà ấy đã để chìa khóa dự
phòng trong hộc đựng găng tay đi nữa, thì hung thủ đã lấy được nó bằng
cách nào?”
“Vậy đây là bí ẩn trong một chiếc xe khóa kín thay vì một căn phòng
khóa kín. Đây là vấn đề tốn bún-tẩu-thuốc!”
Hodges không đáp lại. Ông đang lật qua lật lại vấn đề.
Khả năng chiếc chìa khóa dự phòng có thể nằm trong hộc đựng găng
tay lúc này dường như là hiển nhiên, nhưng ông hoặc Pete đã bao giờ nghĩ
đến khả năng này chưa nhỉ? Ông khá chắc chắn là chưa. Vì họ suy nghĩ
kiểu đàn ông? Hoặc bởi vì họ bực mình với sự cẩu thả của bà T. và muốn
đổ lỗi cho bà ta? Và bà ta đúng là người có lỗi còn gì nữa?
Chẳng lỗi liếc gì nếu quả thật bà ấy đã khóa xe, ông thầm nghĩ.
“Bác Hodges, cái trang Ô Xanh đó liên quan gì đến tên Sát nhân
Mercedes?”