những khuôn mặt dài thượt, một số còn có đôi mắt ngấn lệ. Tôi vẽ những
ngươi chơi đàn luýt bằng màu đỏ với khuôn mặt vui sướng trong khi họ
đệm nhạc cho những lời kinh nguyện và bài thơ vui tươi đi kèm với việc
trao món quà nhân từ của Đức vua: tha cho người bị kết án khỏi bị ở tù. Để
nhấn mạnh việc thoát khỏi cảnh đau đớn và buồn phiền của nợ nần - dù tôi
không dự tính như thế từ lúc đầu - bên cạnh người cuối cùng trong đám tù
nhân khốn khổ, tôi vẽ cả vợ anh ta mặc đồ màu tía, trông thảm hại bần
cùng, cùng cô con gái tóc dài của anh ta, buồn rầu nhưng đẹp mặc áo
choàng rộng màu đỏ thẫm. Để tay Siyah cứ nhíu mày này có thể hiểu việc
minh họa ngang bằng với tình yêu cuộc sống như thế nào, tôi định giải thích
tại sao nhóm những con nợ bị xích này được trải rộng suốt hai trang giấy;
tôi định nói với anh ta cái luận lý ẩn tàng của màu đỏ trong tranh, tôi định
giải thích những điều mà vợ tôi cùng tôi đã cười cợt bàn cãi trong khi ngắm
nghía bức tranh này, chẳng hạn như cách tôi tô màu một cách thích thú -
điều mà những bậc thầy xưa không bao giờ làm - cho con chó nằm nghỉ
tuốt trong góc bằng đúng màu cái áo trùm bằng lụa atlas cua Đức vua,
nhưng anh ta đã hỏi tôi một câu hỏi hết sức khiếm nhã và thô lỗ: Có thể nào
tôi biết Zarif Kính mến bất hạnh ở đâu không?
Anh ta dùng từ "bất hạnh" là sao? Tôi không nói cho anh ta biết rằng
Zarif Kính mến là một kẻ đạo văn tệ hại, một tên ngốc vốn làm công việc
mạ vàng chỉ vì tiền, không hề có chút dấu vết nào của cảm hứng. "Không,"
tôi nói, "tôi không biết."
Có phải tôi đã từng nghĩ đến việc nhưng tín đồ hung hăng và cuồng tín
của tay thuyết giáo xứ Erzurum có thể đã hãm hại Zarif Kính mến? Tôi vẫn
giữ được bình tĩnh và cố kềm lại không trả lời rằng Zarif Kính mến rõ ràng
là một kẻ trong bọn đó. "Không." tôi nói. "Tại sao?"
Nghèo đói, dịch bệnh, tình trạng vô đạo đức và tai tiếng mà chúng ta
đang gánh chịu trong thành phố Istanbul này chỉ có thể được quy kết cho
việc chúng ta đang xa lìa đạo Hồi thời Mohammed, Thánh Tông đồ của