"Không như những bậc thầy già, tôi đã chứng kiến nhiều trận đánh, rất
nhiều," tôi nói để lấp đầy sự im lặng. "Những cỗ máy chiến tranh, những
viên đạn đại bác, quân đội, xác chết; chính tôi là người trang trí trần những
ngôi lều cho Đức vua và các tướng lãnh của chúng ta. Sau một chiến dịch
quân sự, trên đường trở về Istanbul, chính tôi đã ghi lại trên tranh những
cảnh chiến trận mà mọi người rồi sẽ quên mất, những thi thể bị chém làm
đôi, cuộc đụng độ của các đội quân thù nghịch, binh lính của bọn ngoại đạo
khốn khổ run rẩy trước đại bác của chúng ta, binh lính bảo vệ những ngọn
tháp có lỗ châu mai của những lâu đài bị bao vây, những kẻ phiến loạn bị
chém đầu và cơn cuồng loạn của những con ngựa đang phi nước đại tấn
công. Tôi ghi mọi điều tôi thấy vào ký ức: một cối xay cà phê mới, một
kiểu song cửa sổ tôi chưa từng thấy trước đây, một khẩu đại bác, cò súng
của loại súng trường Tây vực mới, ai mặc áo choàng màu gì, trong một bữa
tiệc ai ăn gì, ai để bàn tay mình ở đâu và như thế nào..."
"Bài học đạo đức của ba câu chuyện anh vừa kể là gì?", Siyah hỏi theo
kiểu tóm tắt mọi thứ và yêu cầu tôi giải thích.
"Alif", tôi nói. "Câu chuyện đầu tiên với ngọn tháp chứng minh rằng cho
dù nhà tiểu họa có tài năng đến cỡ nào, thì chính thời gian mới làm cho một
bức tranh "hoàn hảo". "Ba", câu chuyện thứ hai "với hậu cung và thư viện,
cho thấy rằng cách duy nhất để thoát khỏi thời gian là qua kỹ năng và việc
minh họa. Còn câu chuyện thứ ba. đến phiên anh nói tôi nghe."
"Djim!" Siyah nói đầy tự tin, "câu chuyện thứ ba nói về nhà tiểu họa một
trăm mười chín tuổi kết hợp "Alif" với "Ba" để nói rằng thời gian kết thúc
như thế nào đối với một người từ bỏ cuộc sống hoàn hảo và việc trang trí
hoàn hảo, chẳng để lại cái gì ngoài cái chết. Đây thực sự là điều nó muốn
chứng tỏ."
--------------------------------
1 Tarih: Lịch sử.