tiểu thuyết tự sự, với nhân vật xưng "tôi" (ngôi thứ nhất), và quyền tùy nghi
phát biểu mọi điều mình nghĩ mà không cần chứng minh hay lý giải cho tác
giả.
Tên tôi là Đỏ cũng kể về chuyện sát nhân (không chỉ một, mà là hai vụ
sát nhân), quá trình điều tra, truy cứu, và sau cùng, tìm ra thủ phạm (nếu
nhìn theo hướng này thì Tội ác và Trừng phạt của Dostoyevsky cũng là một
tiểu thuyết hình sự). Cách kể chuyện theo lối tự thuật (account) của nhiều
nhân vật đã cho phép tác giả mô tả suy nghĩ và diễn biến tâm lý của từng
nhân vật mà không cần dựng lên tình huống làm lộ ra tâm lý đó, nghĩa là,
tác giả có thể thọc lưỡi dao mổ xẻ của mình vào mỗi nhân vật, sâu hay nông
tùy thích. Và cách kể chuyện đó dẫn dắt độc gia bóc trần từng lớp vỏ tâm
lý, vì không hẳn mỗi nhân vật đều thú thật ngay từ dòng đầu những suy
nghĩ của mình, cho đến khi nhận ra thực chất của mỗi nhân vật, và mỗi vấn
đề theo những cách nhìn khác nhau.
Tiểu thuyết hình sự phải duy trì sự tò mò, căng thăng và hồi hộp của
người đọc cho đến phút chót. Thậm chí, tiểu thuyết hình sự còn phải cung
cấp cho người đọc một kết thúc có hậu (thí dụ như thiện thắng ác thua, kẻ
tốt được tưởng thưởng và kẻ xấu bị trừng phạt, hay thủ phạm bị vạch mặt
còn công an điều tra được vinh danh) phù hợp với cách nghĩ của mọi người
(điều này lý giải tại sao một truyện hình sự, hay một truyện ma, dù rùng rợn
tới đâu, cũng không gây đau tim và bất ngờ như một trận bóng đá). Tên tôi
là Đỏ hội đủ những tiêu chuẩn trên. Nên các bạn đừng ngạc nhiên khi nhiều
bài phê bình nhận định đã gọi tác phẩm này là "truyện hồi hộp" (thriller)
hay "kỳ án" (mystery), có lẽ vì mục đích thúc đẩy độc giả tìm đọc tác phẩm
này.
Không chỉ có vậy, Tên tôi là Đỏ còn là một tiểu thuyết lịch sử. Nó kể về
một giai đoạn trong lịch sử nghệ thuật hội họa Thổ Nhĩ Kỳ (nên nhớ,
Pamuk học kiến trúc trước khi viết văn, điều đó lý giải tại sao ông am tường
nghệ thuật truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ). Bối cảnh câu chuyện là cuối thế kỷ