16 (chính xác là năm 1591 như tác giả định rõ và Pamuk, trong nhiều lần trả
lời phỏng vấn, đã kêu gọi độc giả đọc kỹ, và đọc lại nhiều lần, phần Niên
biểu ở cuối sách).
Cuối thế kỷ 16 là giai đoạn suy tàn của nền tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ, hay
nền hội họa Hồi giáo nói chung. Trong thế giới Hồi giáo, hội họa không
được trọng vọng, thậm chí còn bị cấm đoán vì giáo lý đạo Hồi cấm tôn thờ
ngẫu tượng (tức hình ảnh của thần thánh mang hình dáng con người). Từ
thế kỷ 9 đến thế kỷ 16, hội họa Thổ Nhĩ Kỳ, dù đạt đỉnh cao và để lại nhiều
tác phẩm có giá trị, vẫn chỉ đóng vai trò minh họa cho văn bản. Nhà thư
pháp (người biết đọc biết viết và có thể chép lại cổ thư) luôn được coi là
nghệ sĩ đích thực trong khi nhà minh họa chỉ vẽ tranh để thể hiện những
cảnh trí hay chi tiết của câu chuyện được ghi trong cổ thư, và bị đánh giá
thấp hơn. Ban đầu họ chỉ vẽ tranh ở phần lề trang sách, do đó họ được gọi
là "tiểu họa" (những bức tranh cực nhỏ), rồi sau đó mới giành được quyền
có tranh minh họa chiếm nguyên cả trang sách.
Do giáo luật cấm thờ ngẫu tượng, nên hội họa Thổ Nhĩ Kỳ không mang
tính tả chân mà chỉ có tính ước lệ. Họ vẽ người có hình dáng người (nghĩa
là có chân tay, mặt mũi, áo quần, vân vân, của con người, chứ không giống
một ai cụ thể), và xác định đó là ai qua trang phục, màu sắc hay cử chỉ trong
tranh. Từ Giáo luật này, các giáo sĩ suy ra rằng hội họa không được quyền
sáng tạo (vì "sáng tạo" là độc quyền của Thượng đế) mà chỉ có quyền thể
hiện những khái niệm, hay những câu chuyện, mà mọi người đều đã biết,
qua những hình ảnh ước lệ, tựa như trong nghệ thuật "hát bộ" (không phải
"hát bội") của Việt Nam, một diễn viên kẹp một cây chổi giữa hai chân phải
được hiểu là "một người đang cưỡi ngựa", không cần biết người đó là vua
quan hay thứ dân. Tư tưởng này đưa tới cách vẽ hoàn toàn mô phỏng theo
những bậc thầy xưa chứ không dám tìm ra một phong cách mới, và điều đó
được coi là duy trì, hay phát huy, truyền thống cổ, và là một việc làm "tốt
hoặc hợp đạo giáo." Cách vẽ này, tức cách vẽ của những bậc thầy xưa, cũng
chẳng có gì sáng tạo mà chỉ là ít nhiều mô phỏng hoặc chịu ảnh hưởng hội