Ỏ tầng thứ ba, theo chúng tôi, Tên tôi là Đỏ chính là tiếng kêu bi thương
của nghệ thuật trước những thế lực phi nghệ thuật. Nghệ thuật, và người
làm nghệ thuật không còn được quyền là chính mình và phục vụ trước hết
cho chính mình. Nghệ thuật, để tồn tại, phải phục vụ cho những thế lực phi
nghệ thuật, có thể là thế quyền (vua chúa, những kẻ có quyền lực) hoặc thần
quyền (như tôn giáo, guồng máy chế ngự tinh thần và tư tưởng của con
người). Dĩ nhiên, nghệ thuật có thể phục vụ cho bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào
hay chủ trương nào, để đổi lấy tiền bạc, những ưu đãi hay danh vọng cho
người làm nghệ thuật. Nhưng đó, theo chúng tôi tin, không phải là vai trò
hay nhiệm vụ duy nhất của nghệ thuật.
Nhưng thôi, chúng ta không nên rơi vào cuộc tranh luận muôn thuở và
nhạy cảm, giữa "nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật".
Trong tác phẩm này, những nhà tiểu họa, tức những người làm nghệ thuật,
đã sống, suy nghĩ và làm việc theo kiểu những người khác (cụ thể là giới
thế quyền và thần quyền) đã suy nghĩ và làm việc. Họ không biết, và không
có khả năng, suy nghĩ và sáng tạo độc lập với tư cách con người và tư cách
nghệ sĩ. Và nói theo kiểu của Karl Marx và những tiền bối của ông, họ đã
vong thân (đánh mất, hay bỏ quên, chính mình). Đó là tình trạng mà trong
đó con người không hiểu mình là ai, đang giữ vai trò gì, và do đó phải hành
xử ra sao, và con người đành rơi vào hoặc trôi theo, cung cách suy nghĩ và
hành động của người khác của giai cấp khác, và thậm chí của kẻ thù của
mình.
Các nhà tiểu họa trong đây đã yêu, ghét, vui, buồn, hay thậm chí giết
nhau, không phải vì họ muốn như thế, mà hoàn toàn là do họ bị chi phối bởi
một đạo giáo, triết lý, hay cách tư duy của người khác, hay cách nghĩ được
xã hội thừa nhận.
Đến đây, xin bạn đọc cho phép tôi được kể một chuyện ngoài lề. Trong
tác phẩm The Painted Bird (Con chim bị sơn), Zerzi Kosinski (nhà văn Ba
Lan, 1933-1991) đã mô tả một thợ bẫy chim sống một mình trong rừng, và