thú giải khuây của ông ta là lấy những con chim nhỏ, không bán được nhiều
tiền, rồi phết sơn lên lông của chúng. Khi được thả ra, những con chim này
liền cất tiếng kêu. Tiếng kêu đó thu hút đồng loại của nó, nhưng khi những
con chim đồng loại tới gần, chúng lại rất đỗi hoang mang vì nghe tiếng kêu
thì thấy quen thuộc, nhưng nhìn hình dáng thì rất xa lạ (trọng mắt mà rẻ tai).
Sự hoang mang này đã đẩy một số con tấn công, và có khi giết chết, con
chim bị sơn. Dĩ nhiên, bạn có thể kết luận rằng những con chim giết nhau vì
khác biệt bề ngoài, nhưng tôi lại nghĩ rằng, ở một tầng ý nghĩa khác,
Kosinski đã tạo nên một ẩn dụ tuyệt vời về kiếp vong thân, ở cả hai phía,
không sơn và bị sơn.
Trở lại với Tên tôi là Đỏ, chúng tôi tin rằng Pamuk đã nhấn mạnh ý
nghĩa này khi ông rất nhiều lần, mô tả tình yêu thương bạn bè và thầy trò
giữa các bậc thầy tiểu họa, ngay cả khi họ quyết định giết nhau, qua lời tự
thuật của kẻ sát nhân cũng như các nạn nhân của y. Nghĩa là, tuy rất thương
nhau nhưng họ vẫn giết nhau, không phải vì họ muốn thế, mà bởi vì khác
biệt trong tư duy và niềm tin tôn giáo, và dĩ nhiên cũng vì lòng vị kỷ, muốn
bảo toàn sinh mạng hay những gì mình đã có được.
Đối mặt với bi kịch đó, người nghệ sĩ có những phản ứng riêng, có kẻ bỏ
nghề hay làm những công việc nghệ thuật tầm thường để kiếm sống, như
trang trí thảm, đồ gốm, hay chai lọ, và cực đoan hơn, tự đâm mù mắt mình
để khỏi phải thay đổi phong cách hay sáng tác theo ý người khác, nhất là ý
muốn của giới thống trị (như trường hợp Sư phụ Osman và Bihzad trong tác
phẩm này). Ta hãy khoan phê phán việc làm đó là đúng hay sai, mà hãy cố
hiểu tại sao họ làm như thế. Chi tiết này trong truyện không chỉ là sự kiện,
mà còn là một biểu tượng, và qua đó, tác giả lại buộc ta tiếp tục suy nghĩ về
kiếp vong thân của con người.
Tôi đã đọc, dịch và yêu mến tác phẩm này, rồi kính trọng cả tác giả vì
những hiểu biết và tình cảm mà ông đã dành cho truyền thống văn hóa của
đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông. Chắc chắn rằng, qua tác phẩm của ông, độc