Sau khi dặn A Pẩu, Pủ Sá đến nói chuyện gì đó với A Pa. Xong việc,
lão nhảy phắt lên lưng ngựa, ra roi.
A Pẩu nhìn theo Pủ Sá cưỡi ngựa phóng đi, nó bỗng thấy đôi mắt cay
cay. Nó nghĩ, dù Pủ Sá có ác, có gian giảo nhưng lại là người trọng nghĩa.
Tự nhiên nó thấy bớt đi những ác cảm trước đây đối với Pủ Sá.
Pủ Sá đi rồi, A Pẩu buồn não nề. Nó thấy trong lòng vô cùng trống
trải. Nó bỗng thấy nhớ Chứ Đa da diết, nhớ đến cồn cào. Nước mắt A Pẩu
tuôn chảy ướt đẫm gương mặt hiền từ và ngây ngô của nó.
Nghe lời Pủ Sá dặn, ngày ngày A Pẩu luôn quanh quẩn bên cha, bón
cho cha những bát thịt gà hầm cao hổ cốt. Nó vui ra mặt khi nhìn thấy cha
khoẻ lên từng ngày. A Pẩu bỗng nhớ tới lời cha dặn hôm dẫn nó ra gốc cây
to có những phiến đá. Tính tò mò làm cho nó nghĩ đến việc phải sớm khám
phá bí mật này. Sau khi cho cha ăn xong bát cháo, lo cho cha chỗ nằm ấm
êm, A Pẩu lặng lẽ ra khỏi nhà, tìm cây gậy của cha đem lên gốc cây to phía
đỉnh dốc Mã Lỳ. Nó bẻ đôi cây gậy, rút trong lõi gậy ra tờ giấy dó có viết
chữ Nho bằng mực Tầu. Lúc đầu nó định đọc xem trong mảnh giấy ấy viết
những gì, nhưng do nhận mặt chữ kém, đọc mãi mới được một chữ nên nó
ngại quá lại thôi. A Pẩu cuộn mảnh giấy, đút vào lõi gậy, bẻ lại như cũ rồi
bước đến bên những phiến đá. Nó cậy phiến đá thứ ba lên xem. Dưới đó là
một chiếc hũ sành, nắp được gắn chặt bằng nhựa cây rừng. A Pẩu bật nắp
hũ ra, ngó mặt nhìn vào. Mắt nó bỗng tối sầm. A Pẩu đổ vật ra cạnh gốc
cây to, nằm đè lên phiến đá mà nó vừa móc lên. Bọt dãi nó sùi ra đầy
miệng, mắt trợn ngược trừng trừng như mắt lợn lòi. Nó ôm bụng quằn quại.
Tỉnh dậy chẳng thấy A Pẩu đâu, A Pa chợt thấy lo lắng. Ông gọi con,
nhưng cứ hễ mở miệng lại ho hụ hụ. Linh cảm điều chẳng lành, A Pa
gượng dậy tìm cây gậy. Tìm mãi chẳng thấy, A Pa lại càng lo lắng hơn.
Ông lần từng bước về phía cây to, nơi có những phiến đá. A Pa không thể
tin vào mắt mình khi thấy A Pẩu nằm thẳng cẳng ở đó. Biết tai họa đã đến,
A Pa ngửa cổ lên trời kêu lớn: