không ai làm thế. Người có cái quán này không biết, nhưng có trời biết, đất
biết”.
Đang cơn đói, Chư Pấu véo luôn nắm xôi nhai ngâu ngấu. Đột nhiên
Chư Pấu phát ho. Cơn ho dồn dập như người hít phải khói độc. Đến lúc cơn
ho bớt đi Chư Pấu mới nhận ra là tại mình. Đĩa xôi này là để lau lông quả
đào chứ không phải để ăn. Ai mua đào, trước khi ăn thì lau quả đào vào đĩa
xôi. Xôi dẻo sẽ làm sạch lông nhặm trên vỏ quả đào. Chư Pấu chén phải cái
thứ xôi đầy lông nhặm ấy nên phát ho. Chư Pấu bỏ xôi, bóc bánh ngô ăn.
Ăn xong mấy chiếc bánh ngô, Chư Pấu với tay lấy bầu rượu, uống liền mấy
cốc. Xong xuôi, Chư Pấu móc bạc vụn bỏ ống. Sờ khắp người chẳng thấy
túi bạc đâu Chư Pấu mới nhớ ra là lúc đi mình không mang theo thứ gì.
Chẳng biết làm cách nào, Chư Pấu đành bỏ đi. Nhưng chợt nhớ tới lời cha
nói ngày trước: “Người tốt không ai làm thế. Người có cái quán này không
biết, nhưng có trời biết, đất biết”, Chư Pấu bỗng đứng khựng lại nghĩ cách.
Rồi chợt nhớ ra mấy chiếc răng bọc vàng, Chư Pấu vội nhe hàm răng, đưa
tay cậy lớp vàng bọc một chiếc răng cửa hình lưỡi cuốc của mình, bỏ vào
ống tiền. Chư Pấu yên tâm bước đi mặc dù trong bụng vẫn thấy tiêng tiếc
chiếc răng vàng, của để dành trong miệng từ bao năm nay của mình.
Chư Pấu tiếp tục bước về phía Bắc. Đường xa, đá nhọn, gai góc không
làm Chư Pấu nản lòng. Nỗi mong ước tìm thấy Chứ Đa đã tạo nên sức lực
cho Chư Pấu. Nhưng cái đói, cái khát vẫn đánh quỵ người cha yêu con ấy.
Suốt mấy ngày liền Chư Pấu không gặp được cái quán tự giác nào nữa,
cũng chẳng có nương ngô, nương anh túc cũ, ngoại trừ những cụm rớn đá
là còn khá sẵn trên đường. Sức vóc vốn còm nhom của Chư Pấu không chịu
nổi trước cái đói khát nên cứ lịm dần, lịm dần. Chư Pấu kiệt sức nằm thoi
thóp ở rìa đường. Trong cơn mê sảng Chư Pấu thấy có người đến cào cấu
vào mặt, vào cổ mình. Chư Pấu đưa cánh tay lẻo khẻo gạt cái vật gì sắc
nhọn đang khía vào cổ, miệng phều phào:
- Để yên cho tao nằm. Tao đói mệt lắm rồi! Tránh ra đi!