được nữa. Mùa lủi thủi, lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi chẳng dám nhờ ai,
hỏi ai. Khoác quẩy tấu lên lưng, Mùa cứ nhằm hướng Bắc mà đi. Đường
xa, đá nhọn không làm Mùa nản chí, chùn chân, cứ bước đi trong niềm hi
vọng gặp được chồng, gặp được con - những người yêu thương nhất. Từ
ngày Chứ Đa đi theo lão Pủ Sá thì Chư Pấu lại sinh hư, nhưng Mùa không
hề kêu ca hoặc ghét bỏ chồng. Mùa nghĩ, dù chồng dại nhưng có chồng vẫn
hơn. Quanh năm vất vả việc nhà, việc nương rẫy Mùa quen rồi. Thậm chí
Mùa thấy mình thật hạnh phúc khi có chồng con bên cạnh, nhất là thằng
Chứ Đa vừa khoẻ mạnh vừa thông minh, lanh lợi. Nhìn nó ăn mỗi bữa hết
mấy bát to mèn mén mà sướng cái bụng. Mùa nghĩ, hạnh phúc của người
đàn bà Mông thực ra chẳng có cái gì khác ngoài việc làm nương và chăm
sóc chồng con. Đó cũng chính là sự an ủi lớn nhất đối với Mùa. Nghĩ được
như vậy Mùa cảm thấy như có thêm sức lực để quên đi sự mệt nhọc mỗi
ngày. Mùa cặm cụi làm quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm để lo cái ăn,
cái mặc cho hai vợ chồng, lo tiền mua thuốc phiện cho Chư Pấu. Và trong
sâu thẳm cõi lòng, Mùa còn lẳng lặng tích cóp, dành dụm một ít bạc trắng
để sau này thằng Chứ Đa đi học chữ nho, học nghề buôn về sẽ cho nó để
lấy vốn làm ăn, có tiền cưới vợ. Vậy mà bây giờ cả hai cha con Chứ Đa đều
đã bỏ Mùa mà đi!
Mùa vấp ngã. Vết thương cũ ở móng chân toác ra, rỉ máu. Mệt và đau
quá Mùa muốn nằm vật xuống nương đá ngủ một giấc dài. Nhưng nghĩ lo
cho Chư Pấu không biết giờ này ở đâu, sống chết ra sao, Mùa lại gắng sức
gượng dậy đi tiếp. Phía trước là con đường đầy chông gai, đá nhọn, vô vàn
sự bất trắc. Loáng qua mắt Mùa là bóng vằn đen khủng khiếp của hổ dữ.
Tim Mùa như muốn vỡ tung. Mùa ôm lấy ngực khuỵu xuống. Trong cơn sợ
hãi Mùa chỉ còn biết dựa lưng vào vách đá nhắm mắt lại phó mặc cho số
phận. Đá xám đã che chở cho Mùa. Mùa thiếp đi một giấc dài. Trong cơn
mơ Mùa thấy Chứ Đa cưỡi ngựa trắng về đón mẹ. Nó cao lớn, khôi ngô,
đầy dũng mãnh, tươi cười thúc ngựa về phía Mùa. Tiếng vó ngựa của nó
mỗi lúc một gần, nghe rất rền vang, mạnh mẽ.