Sau một tháng làm thêm cật lực - cậu ấy đã đi khuân vác hàng hóa ở chợ
rau - kiếm được một số tiền kha khá.
Một hôm, cậu ấy đến hỏi bà:
“Cô có biết chỗ nào bán banh nhựa với số lượng lớn không?”
“Cháu hỏi, mua banh nhựa để làm gì vậy?”
Bà tò mò hỏi lại cậu ấy.
“Cháu có chút việc riêng thôi ạ.”
Thế Anh không cho bà biết lý do cậu ấy mua banh nhựa.
“Cháu đừng có xài tiền hoang phí, hãy kiếm cho mình một bộ đồ thật
đẹp, áo quần của cháu đã cũ lắm rồi đấy!”
Bà khuyên nhủ cậu ấy.
Đôi lúc nhìn cậu ấy bà rất thương cảm. Gia đình ly tán phải ăn nhờ ở
đậu nhà người khác. Học rất giỏi và rất ham học, nhưng lại phải đắn đo giữa
việc: nên nghỉ học để đi làm nuôi mẹ? hay tiếp tục học nhờ vào sự trợ giúp
tài chính từ ông Trịnh Vỹ?
Khoác trên cái thân thể gầy guộc đó bao giờ cũng là một chiếc áo sơ mi
trắng mỏng tanh, cái quần tây đã sờn màu, với đôi dép xỏ ngón bị đứt phải
xâu lại bằng một sợi kẻm. Con nhà nghèo đúng là đứa nào cũng như đứa
nào, khố rách áo ôm, bần cùng, mạt hạng.
Đúng vào tối sinh nhật của cô Hoàng Lan. Khi toàn thể gia đình đã ăn
mừng xong, tiệc tùng ngã ngũ; hai cô cậu ấy lại hẹn riêng với nhau.
Thế Anh dẫn cô Hoàng Lan xuống dưới hồ nước lớn.