Quốc. Và đây là những gì còn lại của Nam Mỹ. Trước kia, đây vốn là một
lục địa lớn, cậu biết đó. Giờ còn lại Brazil” - cô ta chỉ vào một hòn đảo lớn
hình tam giác ở phía Nam cách xa vùng Cộng hòa - “Chile và Argentina.”
Kaede hào hứng chỉ ra các lục địa là gì và ngày xưa chúng như thế nào.
Những vùng tôi thấy bây giờ là Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha và quần đảo
Anh thì trước đây từng thuộc về một vùng đất lớn hơn gọi là châu Âu.
Những dân tộc còn lại của châu Âu, cô ta kể, đã di cư sang châu Phi. Mông
Cổ và Nga không phải là những quốc gia đã tuyệt diệt như tôi được dạy.
Châu Úc vốn là một vùng đất liền khối. Rồi có cả những siêu cường quốc.
Những thành phố nổi rộng mênh mông của Trung Quốc được xây dựng
hoàn toàn bên trên mặt nước và lúc nào bầu trời ở đó cũng chỉ có màu đen.
“Hải Thành,” Kaede lên tiếng. “Những thành phố biển.” Tôi được biết châu
Phi không hẳn lúc nào cũng là lục địa phồn thịnh và phát triển về mặt công
nghệ như ngày nay, tràn ngập những trường đại học, nhà chọc trời và dân tị
nạn từ khắp thế giới. Và Nam Cực, dù bạn tin hay không, từng là vùng đất
không người ở và hoàn toàn bị che phủ bởi băng tuyết. Giờ, giống như
Trung Quốc và châu Phi, nó là thủ đô công nghệ hàng đầu thế giới và thu
hút lượng lớn du khách. “So với những vùng ấy, công nghệ của phe Cộng
hòa và Thuộc địa thật thảm hại,” Kaede bổ sung. “Tôi những muốn được
đến thăm Nam Cực một ngày nào đó. Chắc là tráng lệ lắm.”
Cô ta kể nước Mỹ vốn cũng là một siêu cường quốc. “Rồi chiến tranh
xảy ra,” Kaede tiếp tục, “và những người có đầu óc đều bỏ đi đến những
vùng đất cao hơn. Chính Nam Cực đã gây ra vụ ngập, cậu biết đấy. Mọi thứ
vốn đã đủ tệ rồi, nhưng mặt trời lại hóa rồ làm tan hết đống băng ở Nam
Cực. Một trận ngập mà cả tôi lẫn cậu đều không thể tưởng tượng được.
Hàng triệu người chết vì nhiệt độ thay đổi. Đó hẳn phải là một cảnh tượng
ra trò, nhỉ? Mặt trời rồi cũng ổn định lại, nhưng khí hậu thì không bao giờ.
Chừng ấy nước ngọt bị trộn lẫn với nước biển, và mọi thứ chẳng bao giờ
như cũ nữa.”