Tôi có thể miêu tả chính xác cảm giác của mình khi đó – hồ hởi như một
thiếu niên. Cảm giác đó rất giống với cảm giác tôi từng có vào một buổi tối
mùa xuân ấm áp nhiều năm về trước, hẹn hò với một cô gái mới quen nhưng
đã thầm cảm mến, ngồi trên tàu điện và nghĩ xem sẽ đưa nàng đi ăn tối hay
đi uống nước ở đâu, không cần băn khoăn xem đêm nay có làm chuyện đó
hay không, chỉ cần nhìn thấy những cử chỉ quan tâm, những họa tiết trên
chiếc khăn quàng nàng làm dáng vì mình, nếp gấp của tấm áo choàng hay nụ
cười rạng rỡ, giống như được ngắm cảnh đẹp xa vời, là đã đủ để tâm hồn
mình cũng trở nên tươi đẹp. Và khi tôi nhìn thấy Thằn Lằn ngày hôm đó tất
cả những niềm vui tưởng đánh mất từ rất lâu rồi ấy bỗng đột ngột trở lại như
hương hoa xuân sực nức ngày xưa.
“Nào, về nhà thôi.” Khi tôi vừa nghĩ vậy và định cất bước đi khỏi thì bỗng
nghe thấy tiếng kêu thét lên: “Ôi, đau quá…” Quay đầu lại, tôi thấy trong
phòng tập, một bà đang ôm chặt lấy chân. “Điệu này chắc là bị chuột rút
rồi,” tôi nghĩ. Thằn Lằn tức tốc chạy đến bên cạnh, đặt tay lên chân bà ta.
Trong phòng tập lờ mờ tối, tiếng nhạc vẫn đang vang lên, Thăn Lằn bình
tĩnh xoa bóp chân cho người đàn bà đó, thành thục như một thầy thuốc.
Khoảnh khắc tôi lặng ngắm nàng làm việc đó dường như kéo dài bất tận.
Trong bóng tối, Thằn Lằn ngồi đó với cánh tay vươn ra, trông như pho
tượng loang loáng tuyệt đẹp, tỏa sáng lung linh.
Ngay lập tức khuôn mặt người đàn bà đó tươi tỉnh trở lại, Thằn Lằn cũng
mỉm cười, môi đỏ thắm.
Qua tấm kính, tôi chỉ nghe lõm bõm được vài tiếng động và giọng nói,
nên cảnh tượng trước mắt lại thêm phần huyền bí. Rồi Thằn Lằn đứng dậy.
Khi nhìn thấy trên đôi chân đang duỗi ra, ở khớp đùi bên phải có hình xăm
một con thằn lằn nhỏ xíu, tôi đã bị hạ gục hoàn toàn. Mối tình kỳ lạ của tôi
và Thằn Lằn đã bắt đầu như vậy.
Quả thật công việc hiện tại đôi khi khiến tôi bải hoải. Nếu thật sự muốn
giúp bệnh nhân, tôi không được hòa đồng, cộng hưởng với họ. Nhưng việc