tránh né bước sóng của những người bệnh đang thiết tha yêu cầu sự cảm
thông ấy thật khổ vô cùng. Việc này khó khăn như khi bụng đang đói, nhìn
thấy một bàn bày đầy đồ ăn trước mắt mà phải ngoảnh mặt làm ngơ vậy.
Những bệnh nhân của tôi tập trung toàn bộ năng lượng của họ vào việc yêu
cầu tôi chia sẻ những cảm xúc của mình, thông báo với tôi từng ly từng tí
mỗi khi họ giận dữ hay đau đớn. Nhưng tôi vẫn luôn phải bình thản, khách
quan. Nói một cách hình ảnh, tôi phải giữ gìn ý thức của mình giống như
nhân viên phục vụ bàn chuyên nghiệp, nghĩ rằng đó không phải việc của
mình. Việc của tôi là phớt lờ những chiếc đĩa đầy món ngon và đơn giản là
mang chúng đến nơi chúng cần tới.
Tôi luôn cố gắng tập trung vào mục tiêu của mình: giúp người bệnh khỏe
lại. Nếu tôi kiểm soát được mình, tôi có thể duy trì sự khách quan đó. Tôi
nhận ra rằng kỷ luật với bản thân như thế cũng là một kỹ năng thiết yếu
trong công việc của mình.
Người bệnh thì không bao giờ chịu hợp tác. Việc này đôi khi làm tôi thấy
mệt mỏi quá chừng. Nhất là những khi có điều gì đó khiến mình phải bận
tâm như lúc này.
Vừa ăn trưa, tôi vừa nghĩ mãi không hiểu điều bí mật của Thằn Lằn là
gì… Có khi chỉ đơn giản là vì nàng không muốn lấy tôi cũng nên.
Tôi hay ăn trưa ở tiệm mỳ bên cạnh công viên khá xa bệnh viện. Có lẽ vì
ở đó tôi không phải chạm trán với bệnh nhân. Bên ngoài cửa sổ, cây cối
xanh tươi thơm ngát, công viên tĩnh lặng, ngập tràn ánh nắng ban chiều.
Trên những băng ghế dài, những nhân viên bán hàng và các cụ già đang
thảnh thơi ngồi sưởi nắng, trông hoàn toàn hòa hợp, hoàn toàn đồng điệu, và
có thể nói là đẹp…
Mọi người, đàn ông, phụ nữ, là già hay còn trẻ, ai ai trông cũng đều đẹp
đẽ. Điều đó khiến tôi bình tâm trở lại, nhớ ra vì sao từ đầu tôi đã chọn nghề
này và tại sao nó lại khiến tôi hài lòng. Tôi tự nhủ “Tiếp tục làm việc thôi.”
Dưới cùng một bầu trời có lẽ Thằn Lằn cùng suy nghĩ giống tôi, và đang
chăm chỉ làm việc.