Tôi thầm nghĩ có lẽ đó là thứ cảm xúc giống như cảm xúc của đứa trẻ sơ
sinh lần đầu tiên ngậm bầu vú mẹ. Trong đồ vật Akira làm ra tồn tại năng
lực tác động dịu dàng thứ tha một cách hoàn toàn và vô điều kiện như thế.
Đúng vậy. Khi đón nó trong lòng bàn tay, tôi cảm nhận được cơn cuồng
phong của những giọt nước mắt ấm áp tràn qua khoảng trống trong trái tim
tôi. Tay tôi vừa nặng trĩu, vừa ngọt ngào, như tê dại, làm tôi nhớ đến cảm
giác được nâng niu chú chim non vừa mới chào đòi, ngày xưa, hồi còn thơ
bé.
“Có vật này rồi em sẽ phải làm sao đây? Những thứ có hình hài rồi cuối
cùng đều hư hỏng hết mất thôi.”
Tôi vừa khóc vừa nói. Anh đáp.
“Em có vứt bỏ nó bao nhiêu lần đi chăng nữa thì vẫn có thể làm lại được
mà. Anh sẽ làm cho em.”
Khi ấy, tôi mở bừng mắt, thức tỉnh khỏi một con mê dài bất tận.
Tôi đã hiểu. Thì ra là như vậy.
Kể cả khi lời anh nói là dối trá thì đối với tôi, kẻ đã chối bỏ nhà mình, đại
gia đình và người thân của mình, kẻ tự bản thân cũng không nhận ra rằng
mình cô đơn biết bao, rằng chuyện mọi thứ đột nhiên thay đổi hay biến mất
hoàn toàn là điều có thật trên đời, kẻ vốn luôn sợ hãi, không thể lưu giữ bất
cứ điều gì trong trái tim, đó mới chính là câu thần chú kỳ diệu nhất.
“Có khi bố cũng được nghe giáo chủ nói những điều như vậy cũng nên,”
tôi nghĩ. Lần đầu tiên tôi thấy hiểu được bố mình đôi chút.
Khoảnh khắc ấy, chỉ dành riêng cho “Tôi” khi ấy. Với người khác, những
điều như Akira nói với tôi, hay giáo chủ nói với bố tôi có thể nghe sáo mòn
và thừa thãi. Đó chỉ là những lời được thốt ra với nét mặt thản nhiên của
người nói, không hề chủ tâm, như thể chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi luôn
cho rằng những người nói ra chúng luôn hiểu rõ nội lực sâu sắc trong lời nói
của mình. Cảm giác như họ đã mang những lời đó từ một nơi đẹp đẽ xa xôi
nào đó và trao cho ta.