thuật - tự giác. Đó là con đường của thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh
cổ điển Hy Lạp: hay nói cách khác, nói ngược lại, xã hội chiếm hữu nô lệ ở
Hy Lạp - xã hội chiếm hữu nô lệ với cơ chế thành bang (polis) - đã mở
đường, trải thảm đỏ để mời thần thoại Hy Lạp từ thời đại dã man tiến bước
vào nền văn minh cổ điển của mình. Tuy nhiên, nền văn minh cổ điển Hy
Lạp sở dĩ được gọi là văn minh là do ở chỗ trước hết nó khẳng định vai trò
của logos với thành tựu lớn nhất, tiêu biểu nhất của nó, là triết học; đánh dấu
một bước tiến lớn về trình độ tư duy, về khả năng nhận thức khái quát, trừu
tượng của con người bằng lý luận, bằng khái niệm.
Thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp bằng con
đường văn học nghệ thuật. Những giá trị nhân văn vốn có của nó chẳng
những không bị nhấn chìm trong những nguyên tắc chuẩn mẫu, những giáo
điều của hệ tư tưởng tôn giáo, mà lại còn được con mắt của văn học nghệ
thuật phát hiện ra và nâng cao lên. Điều đó giải thích cho chúng ta rõ vì sao
thần thoại Hy Lạp được đánh giá là giàu tính nhân văn hơn một số thần thoại
khác.
Thần thoại Hy Lạp đã đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp vào lúc tư
tưởng triết học đã ra đời và phát triển. Ảnh hưởng của tư duy triết học đối
với giới trí thức Hy Lạp là rất lớn. Đây là thời đại của logos. Chính vì lẽ đó
chúng ta hiểu vì sao thần thoại Hy Lạp giàu tính duy lý, giàu tính triết học.
Đọc những vở bi kịch Hy Lạp chúng ta thấy điều đó rất rõ. Những nhà viết
bi kịch Hy Lạp mà chúng ta được biết qua tiểu sử đều là những người có học
thức sâu rộng. Họ là những người có vốn hiểu biết ở trình độ cao nhất có thể
có được ở xã hội Hy Lạp thời đó. Huyền thoại, qua sự tái tạo của họ, sinh
động hẳn lên, giàu ý nghĩa hẳn lên. Kịch của họ viết chặt chẽ, hấp dẫn, cho
đến ngày nay, từ bố cục đến đối thoại đối với chúng ta vẫn là những mẫu
mực, những bài học quý báu. Điều đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận:
logos - tư duy lý luận, tư duy khái niệm, và mythos - tư duy cảm tính cụ thể,
tư duy hình tượng, đã được kết hợp thống nhất, hài hòa để tạo nên những sản
phẩm huy hoàng của thời cổ điển.
Trong nghệ thuật tạo hình, vấn đề lại càng rõ ràng hơn nữa. Một sự
hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong
thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật
lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người,
một sự hiểu biết như thế chắc chắn không thể là một sự hiểu biết cảm tính -
mythos. Một sự hiểu biết như thế chỉ có thể là kết quả của tư duy lý luận -
logos. Tư duy này đã đúc kết, khái quát thành quy luật về sự cân xứng hài
hòa, về tỷ lệ, sự chuyển động trong nghệ thuật tạo hình. Nhà Hy Lạp học
André Bonnard đã có những nhận xét hết sức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình