được lưu giữ dai dẳng. Những bức tượng của người đàn bà-sư tử, đàn ông-bò
mộng, v.v. là thể hiện quan điểm tôtem giáo chuyển hóa, đồng hóa với
những quan hệ thị tộc đối với thế giới bên ngoài (động vật, thực vật), nghĩa
là tập thể thị tộc, bộ lạc được vật hình hóa bằng hình ảnh một con vật nào đó,
còn con vật đó thì lại được nhân hình hóa, nhân tính hóa như một thành viên
của tập thể thị tộc, bộ lạc. Những công xã nông thôn ở Hy Lạp trải qua một
quá trình đổ vỡ từ bên trong. Ruộng đất bị tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa
ruộng đất cũng là quá trình giải phóng những quan hệ cộng đồng nguyên
thủy, quá trình giải phóng những thành viên của thị tộc khỏi những ràng
buộc của chủ nghĩa tập thể tự phát thô thiển của thời đại dã man - có nghĩa là
con người được lịch sử cắt đứt cuống nhau nối liền với công xã thị tộc, bộ
lạc. F. Engels đã nhận xét: “Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã thì nhân
dân mới tiến bộ, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ tăng gia và
phát triển sản xuất bằng lao động theo kiểu nô lệ...”
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một bối cảnh xã hội như thế
(Đúng hơn, chính xác hơn, ta phải nói tôn giáo này đã chuyển biến vì những
nguyên nhân kinh tế, xã hội như thế). Vì lẽ đó, những tàn dư tôtem giáo còn
lại không nhiều trong thần thoại và bị chế biến đi, trong khi đó chất người lại
nhiều hơn, phong phú hơn thành một thứ tôn giáo giàu tính thế tục và thẩm
mỹ, nếu có thể nói như thế được. Hơn nữa, và đây là điều đặc biệt, tôn giáo
này chấp nhận tự do tư tưởng, không thù địch với tự do tư tưởng. Không có
những giáo điều nghiêm ngặt, không có đẳng cấp tăng lữ với quyền hành
thao túng tạo nên một thứ giáo hội như một nhà nước, một thứ chính quyền
của chính quyền, đứng trên chính quyền, có tòa án xét xử những người vi
phạm vào những điều ngăn cấm và đức tin tôn giáo
. Nhà triết học
Xénophane (khoảng 385-473 TCN) có nói: “... Nếu loài vật cũng giống như
con người thì ngựa đã quan niệm thần thánh như hình ảnh con ngựa, bò đã
hình dung đấng bất tử như hình ảnh của bò”, cũng như Démocrite (thế kỷ V
TCN) có thể truyền bá thuyết nguyên tử của mình mà không bị xử tử bằng
hình phạt ném đá. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kỳ đó không xảy
ra một vụ án tự do tư tưởng nào, một vụ án tôn giáo nào, và tôn giáo-thần
thoại không biểu hiện sự phẫn nộ đối với một số trường hợp nào đó. Tất
nhiên là có, song rất ít, không phổ biến. Các nhà thơ, nghệ sĩ có thể khai
thác, cải biên thần thoại một cách tự do mà không bị trừng phạt. Ở Hy Lạp
xưa kia có một số trung tâm tôn giáo với những đền thờ lớn như Dodone,
Olympe, Delphes, Délos... Những người Hy Lạp, kể cả những nhà cầm
quyền tối cao, thường tới những nơi này để xin những lời chỉ dẫn cho hành
động của mình, xin những lời tiên báo cho tương lai của đô thị mình, sự
nghiệp mình. Nhưng điều rất thú vị là ngay những trung tâm tôn giáo ấy lại
là nơi hội tụ không phải chỉ của những tín đồ ngoan đạo mà còn là nơi hội tụ