Lịch sử của việc nghiên cứu huyền thoại cũng như lịch sử các lý
thuyết về thần thoại ghi nhận thế kỷ XVIII như thế kỷ có công lao đưa việc
nghiên cứu thần thoại tiến lên một bước thực sự khoa học. châu Âu từ trước
chỉ biết có thần thoại Hy Lạp, cho đến thời kỳ này đã mở rộng tầm mắt nhìn
sang thần thoại Ai Cập, thần thoại các dân tộc ở phương Đông, ở châu Mỹ...
và từ đó dẫn đến việc nghiên cứu so sánh thần thoại. Nhà triết học người Ý
Giambattista Vico (1668-1744) là người đầu tiên đã có những kiến giải về
huyền thoại theo quan điểm lịch sử. Ông chỉ ra rằng huyền thoại được hình
thành trong sự cảm thụ trực giác của người nguyên thủy. Thần thánh chẳng
qua chỉ là sự sợ hãi và ngu dốt của con người không giải thích được các hiện
tượng của tự nhiên.
Chủ nghĩa duy lý trong thời đại Ánh sáng ở Pháp, từ kết luận của
Vico, đã đi tới chỗ coi thần thoại như sản phẩm của sự ngu dốt và lừa dối,
một thứ mê tín dị đoan lạc hậu và phản động [Bernard Le Bovier de
Fontenelle (1657-1757), Francois Maria Arouet tức Voltaire (1694-1778),
Denis Diderot (1713-1784), Charles-Louis de Secondat, tức Nam tước xứ La
Brède và xứ Montesquieu (1689-1755),...], nhưng ngược lại, nhà thơ Anh
James Macpherson (1736-1796), nhà văn và nhà triết học Đức Johann
Gottfried de Herder (1744-1803) và khá nhiều nhà nghiên cứu khác coi thần
thoại như là sự thể hiện tài năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của nhân dân.
Ta không thể không nhắc đến vai trò của chủ nghĩa lãng mạn Đức đối với
huyền thoại mà đặc điểm nổi bật là sự trân trọng đến mức lý tưởng hóa đối
với những sáng tác dân gian. Chính ở Đức trong giai đoạn này đã tiến hành
sưu tầm và xuất bản nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết... Một trong những
người cầm đầu chủ nghĩa lãng mạn Đức là Clemens Bretano (1778-1842)
cùng với anh em Grimm [Wilhelm Garl Grimm (1786-1859) và Jacob
Ludwig Garl Grimm (1785-1863)]... hình thành một tổ chức nghiên cứu lấy
tên là “Trường phái thần thoại”. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của
thế kỷ XVIII, đặc biệt là của trường phái thần thoại Đức, bước sang thế kỷ
XIX nhiều lý thuyết thần thoại ra đời, biểu hiện những cố gắng của những
nhà khoa học muốn đem ánh sáng của trí tuệ rọi chiếu vào lãnh vực phức tạp
và huyền bí này.
Lý thuyết thần thoại khí tượng-mặt trời với những đại biểu là hai nhà
thần thoại học người Đức: Adalbert Kuhn (1812-1881), Max Müller (1823-
1900)... giải thích huyền thoại như là sự phản ánh ám dụ tượng trưng những
hiện tượng thiên văn và khí tượng. Lý thuyết “thần thoại hạ cấp” mà đại biểu
là W. Schwartz và W. Mannhardt... coi huyền thoại như là sự phản ánh bản
thân những hiện tượng thông thường trong cuộc sống. Lý thuyết thần thoại-
vật linh giáo coi thần thoại là biểu tượng của tâm hồn con người đối với thế
giới tự nhiên. Đại biểu của lý thuyết này là nhà thần thoại học người Anh