thần Apollon nổi giận. Nhưng cho đến bây giờ, đến lúc này khi chàng trai
Laocoon đã trở thành một ông già có hai con thì thần Apollon mới giáng đòn
trừng phạt. Tai họa khủng khiếp vừa xảy ra trước mắt những người Troie
chính là đòn trừng phạt của Apollon.
Nhưng những người Troie lại không hiểu được cội nguồn của sự việc
đó. Một lần nữa thần Até-Lầm lẫn lại làm cho đầu óc họ lầm lẫn, mất cả tỉnh
táo, khôn ngoan. Họ lại cho rằng Laocoon bị trừng phạt là vì chống lại việc
đưa con ngựa gỗ vào thành, là vì đã xúc phạm đến báu vật thiêng liêng mà
người Hy Lạp đến bồi thường cho việc lấy mất bức tượng thần hộ mệnh
Palladion, chống lại ý định của thần thánh. Và thế là người người nhà nhà,
già trẻ gái trai dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, kẻ dọn đường mở lối, kẻ
phá tường thành, người trước kéo, người sau đẩy, hò la ầm ĩ, đưa con ngựa
gỗ thẳng hướng tiến về quảng trường. Nhưng không phải chỉ có một
Laocoon can ngăn. Còn một người nữa, đó là nàng Cassandre. Với tài tiên
đoán kỳ diệu của mình, nàng đã nói lên những dự cảm đen tối cho quân
Troie biết. Nhưng như đã kể trên, thần Apollon đã làm cho lời tiên tri của
nàng từ bao lâu nay, những lời tiên tri kỳ diệu của Cassandre đều bị vô hiệu.
Số phận của thành Troie không còn cách gì cứu vãn khỏi thảm họa diệt
vong.
Lại có chuyện kể, hai con mãng xà từ dưới biển lên là do nữ thần
Athéna ra lệnh. Nữ thần sợ Laocoon can ngăn, thuyết phục được người Troie
do đó âm mưu của Ulysse sẽ bị bại lộ, vì thế phải giết Laocoon ngay để “bịt
đầu mối”.
Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ-điển tích Tặng vật của
những người Danaens (Les présents des Danaens; Les dons le Danaens; Les
offrandes des Danaens) với ý nghĩa ẩn dụ chỉ một sự việc gì, một vật gì bề
ngoài thì có vẻ vô sự nhưng bên trong chứa đựng những mối hiểm nguy, hậu
họa khôn lường. Nó bắt nguồn từ câu nói Laocoon: “Hỡi những người Troie!
Ta sợ những người Danaens và tặng vật của họ đưa tới” (Je crains les
Danaens et leurs présents).
Sau khi con ngựa gỗ được đưa vào thành thì tất cả mọi việc diễn ra
tiếp theo đúng như sự hoạch định của Ulysse. Hélène được Sinon lẻn đến
giúp đỡ, đốt một đống lửa to trên bờ thành cao để làm ám hiệu cho quân Hy
Lạp. Nhìn thấy ánh lửa, các chiến thuyền Hy Lạp nấp ở sau hòn đảo Ténédos
lập tức rẽ sóng lao về vùng biển Troie. Chờ cho tới nửa đêm, Sinon lẫn đến
bên con ngựa gỗ báo hiệu cho các chiến sĩ cảm tử biết đã đến giờ hành động.
Các chiến sĩ Hy Lạp thoát nhanh ra khỏi bụng ngựa. Họ hành động hết sức
nhẹ nhàng, khéo léo bởi vì chỉ sơ ý một chút là có thể làm tiêu tan công lao,
mồ hôi nước mắt và xương máu của bao người. Ulysse và Épeios là hai