buồn ăn, chẳng buồn nói, và bữa kia chàng lặng lẽ bỏ nhà, từ bỏ vương quốc
của mình ra đi. Chàng đi sang miền nam nước Ý, đến vương quốc Apulie
xin nhà vua xứ sở này cho trú ngụ. Cảm phục sự nghiệp anh hùng của chàng
cũng như xót xa ái ngại cho tình cảnh của chàng, vua Daunus đã gả con gái
cho chàng. Chàng đã lập nghiệp tại đây và có công lao xây dựng nên nhiều
đô thành ở miền nam nước Ý. Chẳng rõ xảy ra chuyện gì bất hòa, vua
Daunus đã giết chàng. Có chuyện lại kể, không phải Diomède bị vua Daunus
giết mà các vị thần đã đưa chàng đến cõi vĩnh hằng, mai táng chàng ở một
hòn đảo mà cả quần đảo đó được mang tên chàng. Chàng được nhân dân suy
tôn thờ cúng như một vị thần. Còn những chiến hữu của chàng, các vị thần
đã biến thành một loài chim.
***
Đọc truyền thuyết về những người Argonautes và truyền thuyết về
cuộc Chiến tranh Troie so sánh với một số truyền thuyết khác nói về chiến
công của những người anh hùng thần thoại, chúng ta có thể ghi nhận được
một vài nét khác biệt sau đây.
1 - Chiến công của những người anh hùng Argonautes và chiến công
của những người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie không giống với
chiến công của những người anh hùng Persée, Héraclès, Thésée... Chúng ta
không gặp lại những anh hùng giết quái vật cứu lương dân, diệt đạo tặc trừ
khử tai họa cho đời sống, chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, khám
phá thiên nhiên như Persée, Thésée, Héraclès. Chúng ta không thể tìm thấy
một chiến công nào có ý nghĩa nổi bật, sâu sắc, vĩ đại như chiến công của
Héraclès. Đó là những chiến công cực kỳ táo bạo và phong phú, trong đó có
những chiến công chưa từng có một người anh hùng nào lập được, giành
được. (Nắn sông, dời non xẻ núi tạo ra eo biển, dám thay thần Atlas chống
đội bầu trời, xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère). Chiến công của những
người anh hùng Argonautes là đoạt Bộ lông Cừu vàng để có một báu vật
thiêng liêng bảo đảm cho ngôi báu được vững bền. Chiến công của những
người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie là giết được kẻ thù, tước đoạt
được vũ khí và những chiến lợi phẩm.
2 - Trong quan hệ đối với thần thánh, con người vốn rất kính sợ và
tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều lúc con người vẫn phạm vào cái lối ngạo mạn,
kiêu căng, dám thách thức, đương đầu “bướng ra mặt” đối với thần thánh,
mặc dù đã nhiều lần bị trừng phạt. Song con người vẫn chứng nào tật ấy,
dường như cái thói ngạo mạn, kiêu căng, “bướng ra mặt” với thần thánh là