Họ tự hào về Baby nhiều hơn về tôi. Kể cả mẹ tôi. Bà khóc khi nhận thư
từ Lusaka, biết Baby đã đi rồi; Baby đang ở đấy, và tôi không biết làm gì
ngoài việc choàng tay quanh người bà, vỗ vỗ vào vai bà. Thư ấy qua tay
ông, do một người có liên lạc với ông chuyển, nhưng bà chỉ khóc khi ông
vắng nhà. Và tôi không thấy bà khóc lần nào khác nữa.
Tôi được điểm cao để vào đại học và ông xin học bổng cho tôi qua sự
trung gian của những người bạn da trắng có thiện cảm với những hoạt động
của ông. Tôi sẽ học ngành nào, ông không nói. Tôi biết ông nuôi hy vọng tôi
sẽ sử dụng toàn bộ tập vở cũ của ông, nhưng tôi đã xin vào trường đại học
thương mại. Tôi sẽ trở thành một người chủ tiệm buôn có học vấn, với bằng
cấp đại học kinh doanh, các người nghĩ sao, một chủ tiệm buôn, theo truyền
thống của mấy người bà con bên mẹ tôi, đã bán các sạp rau quả. Có khác gì
đâu? Cũng là buôn bán cả thôi, những nhà buôn sỉ đã từng cho ông một việc
làm bố thí, và một ông ủng hộ rất nhiều cho chính nghĩa thỉnh thoảng đến
nhà chúng tôi – cái ông đã làm giàu bằng cách bán quần áo lao động cho đại
chúng bị bóc lột mà cha tôi và ông ta sẽ giải phóng cho họ - ông ấy cung cấp
những áo len màu nâu mà các y tá người da đen thường mặc.
Cha mẹ tôi muốn tổ chức một buổi liên hoan để mừng tôi thi đậu. Và họ
có nghĩ đến mời – người đàn bà tóc vàng của ông không?
Ở nhà chúng tôi vẫn thỉnh thoảng tổ chức bữa tiệc trà lớn để đãi các dì,
các anh chị em họ, và cả bà nội bà ngoại của tôi còn ở lại căn nhà của chúng
tôi tại Benoni – bây giờ, cả hai ông nội ông ngoại của tôi đều đã qua đời.
Nếu giữa mẹ tôi và cha tôi không còn gì, thì tôi không hiểu được sao họ còn
hợp tác với nhau để giữ cái bề mặt như thế này. Ông cố gắng lắm để có mặt
ở nhà trong những dịp ấy. Tôi tự hỏi ông phải nói sao với các đồng chí của
ông nếu họ cần ông, tôi tự hỏi ông nói sao với bà ấy khi bà chờ đợi ông đến
căn lều có nịt vú và quần lót phơi bày khắp nơi. (Mẹ tôi thì ủi áo sơ-mi của
cha tôi và của tôi, xếp lại rất đẹp, làm ta cứ tưởng như mới lấy ở tiệm giặt ủi
về).