bằng những tấm ván mỏng, và đồng thời để hội nhập trở lại vào chúng với
một ý niệm sâu sắc hơn về ý nghĩa của cuộc sống ở trong đó. Kafka đặt tên
cho cái mà ông không biết gọi bằng tên gì. Thị trấn mà đám người vào phố
ngày thứ bảy để đi loanh quanh trong đó là lâu đài, thư viện mà ông đã từng
đứng trước cửa là cái cổng luật pháp, bên ngoài cổng K. ngồi, năm này sang
năm khác, chỉ để được cho biết rằng phải chờ đợi nữa, chưa thể vào. Đồng
loại của giáo viên bị lưu đày đến một vùng được chỉ định cư trú, bị cấm
đoán trong đủ mọi hành động của họ, để sinh sản, để sinh ra đời, để chết, để
làm việc hay để chơi, vì một cái tội giống như cái tội của Joseph K. bị triệu
đến nhận trước một quyền lực có khắp nơi mà không biết là tội gì, chỉ biết
rằng nếu quyền lực ấy phán anh ta có tội, thì anh ta phải lãnh.
Nhờ triết lý như thế, Sonny cảm thấy yên lòng, tuy đó là một cách chủ bại
để làm nguội nỗi niềm khát khao trong lòng. Ông ta đã có thể tìm thấy sự
bằng lòng trong việc thản nhiên khi trông thấy thành phố và tiệm nước của
người Hy-Lạp, ở đó gia đình của ông không được phép ngồi vào bàn. Ông
trở nên bị lôi cuốn bởi ý niệm coi quyền lực như một thể trừu tượng, một bí
ẩn ngoài tôn giáo, bởi vì các tôn giáo đều giải thích trót lọt tất cả các bí ẩn
của các nhân vật thần thoại. Và tuy Kafka giải thích khung cảnh của cuộc
đời người giáo viên hay hơn Sếch-pia, Sonny không đi quá xa để cùng với
Kafka tin rằng, quyền lực mà dưới đó người ta trở nên bất lực, chỉ có được
do sự tuân phục của chính họ.
Ông biết rõ hơn. Còn có những người làm luật, các vị tổng tài trong hội
đồng thành phố, họp nhau dưới các bức chân dung của các thị trưởng cũ.
Tôi nghĩ rằng, cha mẹ tôi đã sung sướng khi chị tôi và tôi còn nhỏ, tại thị
trấn chúng tôi ở lúc đó bên ngoài thành phố Reef. Trong chừng mực, con cái
có thể biết về cha mẹ. Cha mẹ của chúng tôi phải chăng, kín đáo, không như
những cặp vợ chồng say sưa hung dữ, hay một số láng giềng có cuộc sống
xấu xa, nghe rõ mồn một qua các bức vách ở nhà chúng tôi, và có những đứa
trẻ chạy sang nhà chúng tôi vì sợ hãi trước những chuyện bộc lộ trước mặt
chúng. Đôi khi một bà nào đó nhờ cha tôi “nói chuyện” với chồng bà. Tôi
xẩn vẩn quanh cha tôi, trèo lên tay ghế bành của ông, hay tựa vào chân ông