bình đẳng được đổi thành một khẩu hiệu hay hơn. Tự do. Đúng rồi. Bình
đẳng không phải là tự do, mà chỉ là một sự khao khát sai lầm muốn được
như người ở trong thị trấn. Mà ai muốn giống những người đáng ghét ấy? Sự
ghen tị không phải là tự do.
Sau khi lập gia đình, trong lúc các con còn nhỏ, ông đã làm hết sức mình
và dành hết thì giờ và trí tưởng tượng cho những dự án có lợi cho cộng
đồng. Có sự tham gia của cả gia đình ông. Phù luân hội và hội Lions cấp tiền
cho bà Aila và hội các bà nội trợ do bà lập ra để xây dựng một nhà nuôi trẻ
sơ sinh, vì họ có ấn tượng tốt với người giáo viên dạy ở bên kia thảo
nguyên, với sự cao quí của ông ta nếu họ có thể dùng chữ đó để mô tả một
người đã tránh vào phố mua sắm trong ngày thứ bảy. “Baby” là hội viên hội
thiếu niên chữ thập đỏ (chi nhánh ở cộng đồng, cách biệt với chi nhánh ở thị
trấn), và cùng một cô bạn ôm thùng đi quyên tiền ở mỗi nhà. Bé Will là một
sói con (bầy hướng đạo ở cộng đồng) cho đến khi một đứa bé trai khác bị
bắn chết khi cùng một đám học sinh lớn xông lên về phía cảnh sát, và một
tấm ảnh trong báo đăng hình đứa bé ấy do một đứa khác ẵm, trở thành biểu
tượng của sự đau khổ khắp nơi có người da đen thật sự ở bên kia thảo
nguyên.
Khi nào sự phân biệt giữa da đen và da đen thật sự, giữa bản thân ông và
họ, trở nên phai mờ đối với người giáo viên? Khẩu hiệu vang lên trong
không khí, “bình đẳng” bắt đầu trở thành “tự do” - thì việc đó xảy ra mà
không có ý thức rõ rệt, vì nó có sẵn từ đầu rồi. Từ đầu cuộc đời ông. Trong
năm tiếp theo vụ đó, học sinh ở trường ông dạy, bắt đầu bỏ lớp và đứng ở
sân trường, cổ đeo bảng chữ bằng cát-tông. Chữ viết trên đó thường hết chỗ
mà chưa đủ nghĩa, nhưng vẫn đọc được vì đã quen thuộc, qua các ảnh và bài
báo nói về những chuyện đang xảy ra ở các trường học của người da đen
thật sự. CHÚNG TÔI KHÔNG THÈM NỀN GIÁO DỤC RÁC RƯỞI NÀY.
A-PA-THAI, CHẾ ĐỘ NÔ LỆ. CẢNH SÁT RA KHỎI CÁC TRƯỜNG
HỌC. Ông hiệu trưởng bảo, chúng bắt chước các người da đen thật sự, và
ông chấp nhận điều đó. Chúng không phải mang giấy thông hành khi lớn
lên, trường học của chúng tốt hơn của người da đen. Nhưng người giáo viên
chăm chỉ nhất, giỏi nhất của ông thì nghĩ thầm, bọn trẻ sao mà khéo học