Không ngờ ông lại là diễn giả nói hay nhất của phong trào, và được yêu
cầu lên tiếng ở các cuộc tụ họp cuối tuần khắp tỉnh. Tên ông xuất hiện trên
các tấm bích chương bị người da trắng viết tục tĩu lên, hay xé rách. Tên
“Sonny” viết lọt vào giữa tên tục và tên họ của ông trên những danh sách
diễn giả, cái tên trẻ con ấy hóa ra lại là lợi thế chính trị tự nhiên, vì nó nhấn
mạnh sự dễ tiếp xúc gần gũi với những người nghe ông diễn thuyết. Và
những khi họp chung với những người da đen thực sự, nước da đen sậm của
ông, khác những người cùng loại của ông có nước da sáng hơn, chắc chắn đã
làm giảm bớt những sự khác biệt ngoài mặt, giữa những người da đen hoàn
toàn và những người có chút dòng máu da trắng trong huyết quản. Nhiều
đồng nghiệp của ông, sành sỏi về chính trị hơn ông, thấy sự ích lợi các đặc
điểm ấy. Chính ông cũng không biết là có thể lợi dụng các đặc điểm ấy. Ông
chỉ mừng vì những năm đọc sách, tưởng là một thú tiêu khiển cá nhân, nay
hóa ra có ích cho cộng đồng, vì nó cho ông có một ngữ vựng thích hợp với
những điều ông muốn nói ra. Những từ ngữ cứ thao thao phát ra từ miệng
ông. Khi có người khen ông nói hay, ông cười xòa và ngượng nghịu đáp
rằng, ông là giáo viên, quen nói trước công chúng trong phòng học cả đời.
Ông hiệu trưởng đến nhà giáo viên một chiều thứ bảy. Aila ra mở cửa.
Ông hiệu trưởng xưa nay vẫn nghĩ rằng bà xinh đẹp, nhưng là cái đẹp của
một trong những con búp bê thuộc loại mặc y phục của một nước mua từ
nước ngoài đem về, quá điển hình. Thấy vẻ mặt bà, hiện ra ngoài vẻ lo sợ,
ông chỉ ấp úng nói được “Tôi đi ngang qua nên tiện thể ghé vào thăm…”,
tuy rằng trước đó ông chưa hề ghé thăm lần nào. Bà lặng thinh đưa ông vào
nhà, rồi đi ra sân sau cho chồng hay. Ông đang họp với những người bạn
mới dưới giàn nho do ông trồng để cho kín đáo. Họ thấy vẻ mặt của bà, và
đứng dậy ngay.
- Không, không phải cảnh sát. Ông hiệu trưởng.
Những người cộng sự lại ngồi xuống, một người thở phào nhẹ nhõm, và
cho phép người giáo viên đi ra, không khác ông đã từng cho phép một học
sinh đi ra ngoài lớp.