Benoni - con đẻ của buồn rầu.
Cha tôi, không có văn bằng đại học (không như người đàn bà ông quá đỗi
ái mộ), xưa kia đã có cơ hội để thu nhập kiến thức phụ thuộc và chỉ có ở
những người thông minh mà học vấn chính thức hạn chế. Ông tích tụ trong
người những mẩu thông tin như mẹ tôi hút các kim băng bằng thỏi nam
châm hình móng ngựa. Một lần ông nói cho tôi biết tên thị trấn tôi ở nghĩa là
gì. Tôi không biết ông đã học ở đâu. Ông bảo đó là Do Thái cổ.
Tôi sinh ra ở thị trấn ấy, con của ông. Bây giờ tôi có cảm nghĩ sự buồn rầu
này bắt đầu khi chúng tôi rời thị trấn. Từ đó, thậm chí từ trước đó. Khi ông
bắt buộc phải thôi nghề thầy giáo thì việc dạy học, và việc phục vụ cộng
đồng, không còn cái này nối tiếp cái kia, làm cho ông trở thành một con
người toàn vẹn. Và gia đình chúng tôi thành một khối đồng nhất.
Họ kiếm cho ông một việc làm ở một tiệm buôn sỉ của người Ấn Độ,
những người trong ủy ban chống các sự trục xuất. Đó là công việc của ông
bây giờ, đưa ông đi khắp nơi, diễn thuyết trên các bục và tham gia các cuộc
mít-tinh bên ngoài cộng đồng ở các thành phố, và ở các khu vực của chúng
tôi. Ông không còn có nghề gì. Nghề của ông bây giờ là các cuộc mít-tinh,
các diễn văn, các chiến dịch, các phái đoàn đi gặp nhà chức trách. Công việc
kế toán mà ông học qua loa rất nhanh không giống như nghề dạy học. Đó là
một sự cần thiết để nuôi gia đình, và mỗi buổi sáng ông đi xe lửa lên phố để
làm việc cho đến tối mới trở về nhà. Công việc ấy không dính dáng gì tới
cuộc sống của chúng tôi. Ông không đem việc về nhà làm như xưa kia
thường đem bài vở của học sinh về nhà chấm. Lúc đó tôi lên mười một tuổi.
Ngày nào ông cũng ra đi rồi trở về. Tôi không hề thấy kho hàng ở đầu kia,
nơi chuyến xe lửa ông đáp hàng ngày. Khi tôi hỏi có gì trong đó, ông nói, đó
là kho y phục đàn ông và con trai. Cứ tưởng tượng xưa nay ông ở giữa
những trẻ con sống động mà bây giờ xung quanh ông chỉ có hàng kho giày
không có chân người. Xưa kia ông thường đọc truyện cho chúng tôi nghe,
Baby và tôi, những tối không có buổi họp. Cô bé thường không nghe, hay
vào bếp mở cái ra-đi-ô nhỏ của mình. Khi tôi chưa đến năm tuổi, ông đã dạy