Vi Lam thẫn thờ lắng nghe, không thể bước đi được nữa, mặc cho giai
điệu đó dâng lên như thủy triều, nhấn chìm trái tim cô.
Giai điệu hớp hồn người khác này vọng ra từ phòng Thiên Lãng. Lúc
thì nó nhẹ nhàng rộn rã, lúc lại buồn bã ai oán, lúc thì lại da diết thiết tha,
lúc lại như đang thổn thức tâm sự. Khi khúc nhạc bước vào cao trào, Chúc
Anh Đài thề dù phải chết cũng không chịu khuất phục, chung thủy với tình
yêu, đến đoạn khóc trước linh cữu đi vào mộ, người cô không đủ sức nhúc
nhích nữa, không kìm được nước mắt trào ra.
Trong gió đêm lạnh giá, cô không thể thuyết phục được mình đi ra, cứ
đứng thẫn thờ trên ban công vậy…
Khúc nhạc kết thúc từ bao giờ, Vi Lam hoàn toàn không hay biết, tâm
hồn của cô dường như cũng hóa thành bướm và bay theo Lương Sơn Bá,
Chúc Anh Đài, chỉ để lại một nỗi thê lương, chua xót thấu tim.
Từ thời còn là học sinh, mỗi lần trong lòng không vui, Thiên Lãng đều
thích chơi bài này.
Còn cô mỗi lần đều bị giai điệu tuyệt vời và buồn bã của nó làm cho
cảm động. Có lẽ, cái khiến cô cảm động không phải là bản thân khúc nhạc,
mà là mối tình chân thành nhất giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Mối tình chân thành nhất là gì? Trong vở kịch Mẫu đơn đình, Thang
Hiển Tổ nói, không biết tình yêu xuất hiện từ bao giờ, da diết sâu sắc, sinh
có thể tử, tử có thể sinh. Mối tình chân thành nhất, thật sự có thể chết vì
người đó! Giống như Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Có nhiều lúc Vi Lam nghĩ, nếu mình là Chúc Anh Đài, cũng sẽ chết vì
Lương Sơn Bá. Tuy nhiên, có lẽ cô sẽ mãi mãi không có cơ hội này, cô
không gặp người đàn ông chân thành như Lương Sơn Bá, còn cô cũng
không thể giữ tình cảm chân thành nhất.