840, dân Mông Cổ lại trở về đời sống du mục. Chế độ Kirghiz đã diệt hẳn
nghề nông do bọn tín đồ Ma-ni giáo truyền qua. Ngoài ra một chút ít văn
minh tiến bộ khác có ghi trong sử Thổ phồn đến thời Thành Cát Tư Hãn
cũng không còn nữa.
CON NGỰA VỚI NGƯỜI MÔNG CỔ
Nhưng con ngựa mới là loài thiết yếu hơn hết trong đời sống du mục. Trên
một cõi đất bao la mà những cánh đồng cỏ thường cách nhau hàng trăm
dặm đường, người Mông Cổ chỉ trông cậy vào phương tiện giao thông
nhanh hơn hết là ngựa.
Ngựa Mông Cổ thấp, chân to, lông dày, cổ nở, dáng không đẹp bằng ngựa
Ả Rập nhưng rất khoẻ, sức bền bỉ, lại ăn ít. Họ chú trọng sản xuất ngựa thật
nhanh, thật nhiều vì mỗi tấc đường đều cần đến ngựa và chỉ có họ mới điều
khiển nổi những con ngựa bất kham ấy. Họ phi ngựa như bay không cần
cầm cương, hai tay đều rảnh để cầm vũ khí. Ngựa đang phi họ có thể nhảy
xuống đất chạy theo, rồi nhảy trở lại lên lưng như trò xiếc: có thể cỡi suốt
15 giờ liền, mỗi ngày đi được 75 cây số. Họ rong ruổi đây đó, hoặc theo
bầy súc vật hoặc đuổi thú rừng. Cuộc sống trên lưng ngựa đã gây cho người
Mông Cổ một tâm hồn khoáng đạt, tự do; những lúc đi xa thường phải phi
ngựa đơn độc và tự bảo vệ lấy sinh mạng của mình, do đó họ có tinh thần
bình đẳng và tinh thần độc lập mạnh mẽ. Ngoài ra, qua bao thế kỷ, việc
nuôi ngựa và say mê thích thú nghề kỵ mã đã tạo ra một số người nặng óc
tự tôn, trở thành giai cấp quý tộc Mông Cổ.
PHỤ NỮ
Công việc thường xuyên của các thiếu nữ Mông Cổ là dệt len. Hàng ngày
họ đổ vào rừng chặt cây “baronetz” về tước vỏ đánh thành sợi rồi dệt thành
những tấm len mà họ thường khoe là "mịn như lông con cừu Scythie".
Theo phong tục, con gái Mông Cổ phải lấy chồng ở một bộ lạc khác: lẽ
sống duy nhất của họ là tận tâm phụng sự chồng, sinh con cái, lo việc bếp
núc, lúc rảnh rỗi thì chế tạo những đồ đạc lặt vặt trong nhà, vắt sữa bò, sữa