tiếng không thể qua được (650 năm sau lúc đánh với quân Khiva, đoàn kỵ
binh Nga đã thất bại nặng nề vì ngựa chết sạch khi qua sa mạc nầy.) Đại
hãn đã vào vùng hạ lưu Amou-Daria đánh ở mặt hậu quân Mohammed.
Bây giờ, phía Tây thì Thành Cát Tư Hãn, phía Bắc, Sát Hợp Đài và Oa
Khoát Đài, phía Đông Truật Xích, phía Nam, Triết Biệt, quốc vương ở giữa
một cái lưới đang từ từ khép lại. Ông vội vã rút một số quân nữa về tăng
cường Samarkande và Boukhara. Muốn chạy lên Tây Bắc, lên chính quốc
Kharesm thì đã có quân Mông Cổ án ngữ ở đó. Quốc vương vội vàng đào
tẩu xuống miền Nam trước lúc quân của Triết Biệt đóng kín mặt này.
San bằng thành Boukhara
Boukhara là một trung tâm điểm của văn minh Hồi giáo, một đô thị nhiều
trường học, nhiều hoa viên, biệt thự và vô số nhà hiền triết. Tường cao, hào
sâu, nhưng lực lượng phòng thủ thật yếu ớt, vì không ai nghĩ rằng địch
quân sẽ tới đây. Dân chúng trong thành đa số là người Ba tư, nhưng quân
trú phòng hầu hết là người Thổ (Turc). Các tướng Thổ muốn giao chiến với
địch quân trên bờ sông Amou-Daria để có thể gởi thêm quân tiếp viện, nên
thừa đêm tối họ kéo hết quân tinh nhuệ ra một cửa thành không có địch
quân án ngữ.
Nhưng chiến thuật sở trường của quân Mông Cổ là bao vây mà chừa một
ngõ thoát cho địch; lúc quân Thổ lẳng lặng kéo ra, họ im lìm chờ đợi để rồi
bám sát theo gót đến rạng ngày hôm sau thình lình đánh tập hậu, diệt trọn
đạo quân địch. Dân trong thành liền mở toang các cửa cho họ vào (10 hay
16 tháng 2-1220).
Binh Mông Cổ tràn khắp các nẻo đường. Thành Cát Tư Hãn và Đà Lôi tế
ngựa đến trước cửa một tòa nhà đồ sộ ở giữa thành, ngỡ là cung điện của
quốc vương. Đến lúc gọi một người dân đến hỏi, đại hãn mới biết đó là đền
thờ Allah, rồi giục ngựa trèo lên các bậc thềm, xuống đứng giữa giảng
đường truyền lệnh cho dân chúng: "Hiện nay quân ta đang thiếu lương