mé sông. Bọn chúng biết một người bị đóng gông không thể nào lội qua
sông Onon được nên cứ cho ngựa chạy dọc theo bờ: một toán ngược lên
thượng lưu, một toán xuống hạ lưu. Chỉ còn lại một tên kỵ binh cứ đứng
mãi ở đó nhìn chăm chú xuống dòng nước. Một lát hắn nhận ra một vật gì
tròn, hơi động đậy ở giữa đám sậy, vừa tầm một cây lao phóng xuống. Chờ
bọn kia đi đã xa hắn mới nói vọng xuống: “Ha! Bản lĩnh của chú em cao
cường quá nên tụi nó không ưa là phải!” Rồi hắn thả ngựa đi từ từ theo
hướng bọn kia.
Thiết mộc Chân trầm xuống nước đến ngang mũi, nhận được mặt người kỵ
binh: lão Si Ra, trước kia là dân trong đoàn trại của cha mình. Lão có mấy
đứa con thường chơi với chàng. Đợi lúc thật vắng lặng, chàng mới lần mò
chui ra khỏi đám sậy, tay chân đều lạnh cóng, vai nhức như dần vì cái gông
nặng trĩu. Không thể nào chạy trốn đi đâu được nữa, chàng bình tĩnh lăn
trên cỏ mấy vòng cho nước trong quần áo trút ra hết, âm thầm đi thẳng lên
trại, lẻn vào lều của lão Si Ra, chui xuống ẩn dưới một đống len. Đến
khuya, bọn kỵ binh lần lượt trở về lùng kiếm trong các lều. Chúng vào lều
lão Si Ra; một tên trong bọn đâm một mũi lao vào đống len. Một tên khác
lại nói: “Trời nóng như thế nầy nó chịu sao nổi ở dưới đống len?” Rồi
chúng bàn để ngày mai soát lại trong trại một lần nữa, nếu không gặp Thiết
mộc Chân thì phải đi lùng kiếm ở xa.
Giữa khuya, lúc mọi người đã ngủ im lìm, Thiết mộc Chân mới bò ra. Si Ra
hết sức kinh hãi:
- Sao chú mầy lại vào đây? Mai nầy họ sẽ lục soát thật kỹ chú có biết
không? Nếu họ gặp chú tại đây, gia đình ta sẽ không còn ai sống sót cả!
Thiết mộc Chân vẫn bình tĩnh:
- Ông tháo gông giùm tôi và cho tôi ăn cái đã.
Si Ra hơi ngần ngừ. Chàng nói tiếp:
- Nếu Tạc gô Đài biết ông đã gặp tôi ngoài đám sậy mà ông lờ đi cho kỵ
binh mất công tìm tôi mãi liệu ông có khỏi rụng đầu không?
Si Ra mới nhận thấy rằng cần phải giúp cho Thiết mộc Chân trốn đi xa thì
lão mới tránh khỏi tai hoạ. Lão liền tháo gông ra chẻ vụn bỏ vào lửa. Cho