Nguyễn Trọng Khanh
Thành Cát Tư Hãn
Chương XII
CUỘC VIỄN CHINH THỨ NHẤT: TÀN PHÁ TÂY – HẠ
Lãnh thổ Mông-cổ bây giờ tiếp giáp với ba nước lớn: phía Đông và Đông
Nam, sau dãy Vạn lý trường thành là Đại-Kim đang thời kỳ cường thịnh;
phía Nam là nước Tây-Hạ; phía Tây bên kia núi Pamir là đế quốc Tây-
Liêu.
Để chuẩn bị cuộc xâm lăng, bộ Tổng tham mưu Mông-cổ thả rất nhiều điệp
viên qua ba nước ấy dò la thực lực, quan sát binh tình.
Lúc ấy Tây-Liêu đang ở dưới quyền cai trị của một hoàng đế lão nhược
không thích gây hấn với ai nữa. Nhưng bọn thái thú của ông ta rất hà khắc
khiến cho dân các xứ phiên thuộc như Thổ-phồn hết sức ca thán. Trong thời
kỳ này quân Mông-cổ đã tiến sâu vào vùng núi Altai, đánh đuổi khả hãn
Bui-Rúc chấm dứt cuộc đô hộ Nãi-man, nước Thổ-phồn mới mở rộng ra từ
biên giới Mông-cổ đến Tây-Liêu. Thành Cát Tư Hãn gởi một sứ bộ qua
Thổ-phồn gọi vua I-Di-Cút hãy qui phục Mông-cổ. Nhà vua liền gởi đồ
cống hiến đến trước rồi đích thân tới Mông –cổ xin làm phiên thần.
Dân Tây-Hạ thuộc giống Tây-tạng, xưa kia là bộ lạc Thát-bạt chiếm khu
vực A-la-chan và Ordos, đời Đường qui phụ Trung-hoa nhưng người em
chú bác lại hàng Liêu được phong Hạ-vương. Vua Tống cho Kế-Bổng dụ
Kế-Thiên bỏ Liêu theo Tống, nhưng chẳng bao lâu hai anh em đều phản
Tống. Kế-Bổng bị bắt, Kế-Thiên chiếm Linh-châu làm căn cứ. Truyền
xuống đời cháu là Nguyên-Hạo một tay hùng kiệt nhiều mưu lược, thu
dụng văn minh Trung-hoa, đánh chiếm 18 châu ở Hà-tây (thuộc các tỉnh
Thiểm-tây, Cam-túc và một phần đất Tân-cương ngày nay) định đô ở Ninh-
hạ, quốc hiệu Đại-Hạ. Vua Tống phong Tây-Hạ quốc vương.