Thành thị của họ rộng lớn vô cùng chứa không biết bao nhiêu dân chúng
mà kể, có thể nói tất cả dân Mông-cổ tụ họp lại chỉ mới đủ cho một thành
mà thôi. Những đô thị ấy đều bao bọc bằng một vòng tường thành vĩ đại,
cao ngất, không có con ngựa nào trên thế gian này vượt qua được, cũng
không có kẻ địch nào trèo qua nổi. Mỗi đô thị chỉ bắt một người dân đi lính
thôi, hoàng đế nước ấy sẽ có một đạo quân đông gấp mấy lần quân đội
Mông-cổ. Họ có những cây cung phải 20 người giương mới nổi, những
chiến xa tới 20 con ngựa kéo. Lúc giao chiến họ phóng lửa vào quân địch,
tiếng nổ như sấm sét, vật gì cũng bị phá tan thành mảnh vụn…
Càng nghe nhiều về câu chuyện của bọn thương nhân, Thành-Cát Tư-Hãn
càng lo lắng nghĩ ngợi vì họ thuật đúng như báo cáo của điệp viên: những
phương tiện chiến tranh của hoàng đế Kim thật không có cách gì phá được;
quân đội nhiều vô tận, thành trì bất khả xâm, vũ khí muôn trùng không đếm
xiết.
Mà chủ trương của ông thì phải đánh nước Kim, phải liều với họ một trận
giặc vì lẽ sống còn. Có điều khó hiểu là tại sao lần này nước Kim để yên
cho ông thống nhất lực lượng du mục vì từ mấy trăm năm qua đế quốc này
luôn luôn phá hoại sự đoàn kết của dân tộc ở lều. Họ cứ liên kết bộ lạc này
để tiêu diệt bộ lạc khác. Với chiến thuật ấy họ diệt ngay từ lúc nẩy mầm lực
lượng nào có cơ phát triển. Họ đã đầu độc khả hãn Ka-Buôn, giết khả hãn
Ka-Tuôn, xử cực hình hai khả hãn khác trong tộc Bọt-Di-Dinh chỉ vì những
vị chúa nói trên đã qui tụ được một số bộ lạc đông đảo.
Thật ra lần này cuộc diện ở mạn Bắc thay đổi quá nhanh chóng khiến nước
Kim không dở trò gì được. Thành-Cát Tư-Hãn lần lượt chiến thắng những
kẻ địch mà bọn tướng lãnh Kim ngỡ rằng bọn ấy mạnh hơn và nguy hiểm
hơn ông, như Tô-Ha-Rin, Tút-Sa-Bét, Bai-Bu-Ka. Họ đã đánh giá ông sai
lầm, nên sau bức Trường thành họ chểnh mảng trong việc tung ra những
âm mưu có thể đưa ông đến chỗ thất bại. Đến lúc ông tiêu diệt hết kẻ địch,
sự thống nhất Mông-cổ đến tai họ một cách bất ngờ như một tiếng sét. Mãi