Một lần nữa quân Mông-cổ đành chịu bất lực trước những vách thành kiên
cố. Thật ra lúc bấy giờ họ đã tiến tới trình độ có thể chiếm những thành
nhỏ, nhưng Ninh-hạ là một đô thị lớn đông dân, phòng thủ thật vững chắc
không dễ gì hạ nổi. Mà thì giờ thì cấp bách, không thể chần chờ ở xứ nầy
được vì Thành-Cát Tư-Hãn chỉ nghĩ tới nước Kim, muốn diệt đế quốc ấy
càng sớm càng tốt. Đại hãn nghe nói người Trung quốc có chiến thuật tháo
nước cho ngập thành, liền sai đi bắt một số dân Trung-quốc về bảo xây một
cái đập lớn, lùa nước sông Hoàng-hà vào thành Ninh-hạ. Nhưng mới xây
lên được phân nửa thì đập vỡ, nước tràn ra lụt hết cánh đồng mà quân
Mông-cổ đang đóng trại. Họ phải cấp tốc cuốn lều chạy lên các đồi cao.
Tuy vậy tình thế của quân Tây-hạ cũng không có gì lạc quan hơn. Chiếm
thành không được, quân Mông-cổ liền tràn ra khắp các làng mạc cướp phá
tan tành; quân Tây-hạ cứ bế môn ở mãi trong thành chẳng làm gì khác hơn
được. Cho nên khi quân Mông-cổ gởi sứ giả tới nghị hòa, chúa Tây-hạ mới
thở ra nhẹ nhõm chấp nhận tất cả các điều kiện hết sức khắt khe: nộp tuế
cống thật nặng; phải trợ lực Mông-cổ trong những cuộc chinh phạt ở các
nước khác và để tỏ thiện ý, phải gả công chúa cho đại hãn (1209). Thế rồi
yến tiệc mở ra linh đình mừng tình hữu nghị giữa hai nước. Xong đâu đó,
Thành-Cát Tư-Hãn vội vã rút quân về.
Được nửa đường bỗng có mã khoái “Tên bay” từ miền đồng tới báo tin một
đoàn sứ giả nước Kim đã tới cõi ngoài Trường thành. Đại hãn liền dừng
binh đón chờ. Ông ra đứng trước lều tiếp sứ giả của vua Kim. Viên chánh
sứ bảo người thông ngôn nói lại rằng “có chiếu chỉ của hoàng đế Đại kim,
Đại hãn phải làm lễ bái lĩnh”.
Thành-Cát Tư-Hãn hỏi:
- Hiện giờ ai là hoàng đế nước Kim? - Làm như ông không hay biết về
việc đổi ngôi.
Sứ giả trả lời:
- Hoàng đế Vĩnh-Tế.
Thành-Cát Tư-Hãn liền quay về hướng Nam, thay vì quì lạy kính cẩn, lại