phương pháp của riêng mình. Ông nhanh chóng học được các kỹ
thuật đơn giản, như cắt nguồn lương thực của kẻ địch, song ông
cũng sớm thử nghiệm các biện pháp khác thường hơn, như khi ông
chuyển hướng một nhánh sông Hoàng Hà để làm ngập lụt kinh
thành Đảng Hạng. Không có kinh nghiệm chế lắp, người Mông Cổ
chuyển được hướng dòng chảy, song họ lại cuốn trôi chính trại của
mình thay vì người Đảng Hạng. Dù vậy, quân Mông Cổ vẫn sống sót
sau sai lầm nguy hiểm đó. Thành Cát Tư Hãn học hỏi từ đó và
chiếm được kinh thành. Sau này, người Mông Cổ sẽ tái áp dụng
phương pháp này, nhưng ngày càng thành thục và thành công hơn.
Khi Thành Cát Tư Hãn quyết định vượt sa mạc Gobi để tấn công
người Nữ Chân vào năm 1211, ông không chỉ khai mở một cuộc
chiến tranh biên giới khác ở Trung Hoa, mà còn châm một ngọn lửa
sau này sẽ thiêu rụi cả thế giới. Không một ai, kể cả Thành Cát Tư
Hãn, có thể lường trước được điều gì sẽ tới. Ông không thể hiện
một tham vọng toàn cầu nào, bởi ông chỉ đánh từng cuộc chiến một,
và với ông giờ đây là lúc để đánh người Nữ Chân. Nhưng từ cuộc
chiến với người Nữ Chân, quân đội Mông Cổ tinh nhuệ và được tổ
chức chặt chẽ sẽ phi ngựa ra khỏi quê hương cao nguyên của mình,
và càn quét mọi thứ từ sông Ấn tới sông Danube, từ Thái Bình
Dương tới Địa Trung Hải. Trong chớp mắt, chỉ trong vòng ba mươi
năm, các chiến binh Mông Cổ đánh bại mọi quân đội, chiếm lĩnh mọi
pháo đài, và phá bỏ mọi bức tường của các đô thành họ tới. Người
Ki-tô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, và Ấn Độ giáo đều sớm phải quỳ
trước mũi giày bụi bặm của các kỵ sĩ Mông Cổ trẻ không biết chữ.