Không như lính nhà Kim phụ thuộc vào chế độ ăn giàu tinh bột, quân
Mông Cổ có thể đi một tới hai ngày đường mà không có thức ăn.
Các quân đội kiểu cũ đi thành từng hàng dọc dài, hành quân trên
cùng một con đường với lượng quân lương lớn đi phía sau. Ngược
lại, quân Mông Cổ trải rộng trên một khu vực lớn để cung cấp đủ cỏ
cho súc vật và tối đa hóa cơ hội săn bắn của quân lính. Thành Cát
Tư Hãn đi ở giữa, được hỗ trợ bởi Hữu quân ở phía tây và Tả quân
ở phía đông. Một nhóm nhỏ hơn nhận vị trí bảo vệ phía trước và
một nhóm khác ở phía sau, nơi quân Mông Cổ cũng trữ cả súc vật.
Hình thức tổ chức thập phân của quân đội Thành Cát Tư Hãn giúp
cả quân đội dễ thay đổi và di động. Mỗi đơn vị một vạn người hoạt
động như mô hình thu nhỏ của trại của Thành Cát Tư Hãn. Thủ lĩnh
của nhóm một vạn di chuyển ở trung tâm đơn vị một ngàn của ông
ta, và đặt chín đơn vị khác bao quanh – trái, phải, trước, sau – khi
cần. Thay vì một hệ thống cấp bậc các đơn vị quân sự, Thành Cát
Tư Hãn xếp người của mình thành các vòng tròn đồng tâm.
Dù quân Mông Cổ thường xuyên di chuyển trại, các trại trung
tâm của mỗi đơn vị được đặt theo đúng một quy luật chuẩn xác, sao
cho lính mới tới biết được phải báo cáo ở đâu và làm sao để tìm
được cái họ cần. Mỗi đơn vị một ngàn người đi cùng đội thầy thuốc
riêng, thường là các thầy thuốc Trung Hoa, để chăm sóc cho những
ai ốm và bị thương. Các lều được dàn thành đội hình cụ thể với tên
và mục đích riêng, và ngay cả bên trong mỗi lều cũng được sắp xếp
theo cùng một cách. Sau một ngày đi đường, đánh trận hay săn