Cả một dòng sông lụa rực rỡ chảy ra ngoài Trung Hoa. Cảnh
tượng trông như thể Thành Cát Tư Hãn đã vẽ lại mọi đường đi
ngoằn ngoèo của Con đường Tơ lụa, gộp chúng thành một dòng
chảy lớn, và đẩy nó về phương bắc, đổ ra khắp vùng thảo nguyên
Mông Cổ. Đoàn xe lạc đà và ngựa chở nhiều vải vóc quý tới nỗi
quân Mông Cổ dùng lụa để bọc các đồ dùng khác và để làm vật liệu
gói hàng. Họ vứt dây thừng da thuộc đi, và thay vào đó sử dụng lụa
xoắn lại. Họ xếp thành chồng các áo choàng thêu chỉ vàng và bạc
thành họa tiết hoa mẫu đơn đang nở, sếu đang bay, sóng tràn vào
bờ và linh vật truyền thuyết, và họ gói những đôi giày lụa đính ngọc
trai lại. Quân Mông Cổ chất đầy các xe kéo với thảm, bình phong,
gối, đệm và chăn lụa, cũng như khăn choàng, dải viền, ren, và quả
tua lụa. Họ mang theo hàng súc lụa thô, chỉ lụa, và vải dệt thành đủ
loại phục trang và vật trang trí nhiều màu sắc hơn ngôn ngữ Mông
Cổ có thể diễn tả.
Bên cạnh lụa, vải sa-tanh, gấm kim tuyến và vải sa, quân Mông
Cổ còn mang theo bất kỳ đồ vật gì họ thích mà có thể di chuyển
được, bao gồm đồ nội thất bằng gỗ sơn, quạt giấy, bát gốm, giáp
kim loại, dao đồng, rối gỗ, ấm sắt, nồi đồng, trò chơi bàn gỗ và yên
ngựa khắc. Quân Mông Cổ lấy đi những bình nước hoa và đồ trang
điểm làm từ đất son, chi vàng, cây chàm, tinh chất hoa, sáp thơm,
cây bóng nước và xạ hương. Họ chở theo trang sức làm từ kim loại
quý, ngà voi, hay mai rùa và đính đá ngọc lam, ngọc trai, đá
carnelian, san hô, đá da trời, ngọc lục bảo và kim cương. Đoàn xe
kéo chở túi da đựng rượu, hàng thùng mật ong và thỏi trà đen đi