vẫn thường làm, Thành Cát Tư Hãn lập tức chia chiến lợi phẩm cho
các tướng lĩnh của mình, và những người này lại chia phần phù hợp
cho người của họ. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình,
ông có quá nhiều của cải và nguyên vật liệu cướp bóc được và
không thể phân phát hết, bởi vậy cần tìm cách quản lý và tích trữ
chúng cho tới khi cần. Để giải quyết vấn đề dư thừa của cải này, ông
cho phép xây dựng một vài toà nhà. Ông đặt chúng gần dòng suối
Avarga nhỏ, bên rìa thảo nguyên nơi một dòng suối khác phun lên
mặt đất. Theo truyền thuyết, Bột Nhi Thiếp đã dùng nước suối này
để chữa bệnh cho con trai Oa Khoát Đài. Các toà nhà hợp lại được
gọi là Hoàng Cung, và chức năng chủ yếu của chúng là nhà kho
chứa chiến lợi phẩm từ các chiến dịch. Với hai bên là suối chảy và
một nhóm đồi nhỏ ở giữa, khu vực này rất dễ bảo vệ, và việc đột
kích gần như là bất khả.
Sau khi vắng mặt một thời gian dài, Thành Cát Tư Hãn có nhiều
vấn đề cần phải giải quyết, không chỉ với người dân Mông Cổ, mà
còn với cả các bộ lạc Siberia ở phương bắc và nông dân Duy Ngô
Nhĩ ơ phía nam. Một vài bộ lạc Siberia từng phục tùng Mông Cổ khi
Truật Xích xâm lược năm 1207 đã lợi dụng khi Thành Cát Tư Hãn
vắng mặt lâu ngày trong chiến dịch đánh người Nữ Chân để ngừng
cống nạp lông thú, lâm sản và thiếu nữ. Song, khi sứ giả Mông Cổ
tới truy xét, ông phát hiện ra rằng đúng như danh tiếng của những
người phụ nữ Siberia, thủ lĩnh của họ giờ là một người phụ nữ tên là
Botohui-tarhun, nghĩa là To lớn và Dữ dội. Thay vì nộp ba mươi
thiếu nữ cho người Mông Cổ làm vợ, bà ta bắt luôn sứ giả Mông Cổ