Ông tuyên bố cuộc xâm lược là “tai ương thảm khốc nhất và kinh
hoàng nhất… đã giáng xuống loài người, và đặc biệt là người Hồi
giáo… kể từ khi Chúa trời tạo ra Adam tới nay.” Để so sánh, ông nói
rằng cuộc thảm sát kinh hoàng nhất trước thời quân Mông Cổ đã
xảy ra với người Do Thái, song cuộc chiến của quân Mông Cổ
chống lại người Hồi giáo còn tồi tệ hơn bởi số người đạo Hồi bị giết
quá lớn, “trong một thành phố, chúng thảm sát nhiều hơn toàn bộ
những đứa con của Israel cộng lại.” Nếu người đọc có nghi ngờ, Ibn
al-Athir còn hứa hẹn cả các chi tiết về “hành vi của quân Mông Cổ
mà hẳn sẽ khiến tất cả phải kinh sợ, và các ngươi, đội ơn Chúa, sẽ
được nghe đầy đủ theo trình tự đúng của chúng.” Song những lời
nói mãnh liệt này dường như được viết để kích thích những người
Hồi giáo khác, chứ không phải để kể lại một cách chính xác cuộc
xâm lăng.
Mặc dù quân đội của Thành Cát Tư Hãn tiến hành chém giết với
tốc độ chưa từng thấy, coi việc chết chóc như một quy tắc hành xử
và dĩ nhiên cũng là một cách gieo rắc nỗi sợ có chủ đích, họ khác
với lẽ thường thời đó theo một khía cạnh quan trọng và bất ngờ.
Quân Mông Cổ không tra tấn, cắt xẻo, hay khiến nạn nhân trở nên
tàn tật. Chiến tranh thời kỳ đó thường là một dạng chiến đấu gây sợ
hãi, và các nhà cầm quyền lợi dụng chiến thuật đơn giản nhưng ghê
rợn là tra tấn công khai hay cắt xẻo da thịt để làm người dân hoảng
loạn và sợ hãi. Trong trận chiến tháng Tám năm 1228 với Jalal al-
Din, con trai của sultan, bốn trăm tù nhân Mông Cổ rơi vào tay quân
địch, và họ biết chắc rằng mình sẽ chết. Những kẻ chiến thắng đưa