người con trai sẽ đứng trên ba người kia, trở thành Khắc hãn quản
lý triều đình trung ương, đưa ra lời phán xét cuối cùng, và cùng với
ba người anh em còn lại chịu trách nhiệm ngoại giao, đặc biệt là
trong vấn đề gây chiến tranh. Hệ thống này phụ thuộc vào tài năng
và sự tự nguyện của các anh em để cùng làm việc và hợp tác với
nhau dưới sự lãnh đạo của Khắc hãn.
Ngay cả trước khi ông lên đường ra trận ở Khwarizm, kế hoạch
này đã vấp phải trở ngại. Dù nhắc tới hay chuẩn bị cho cái chết bị
coi là cấm kỵ, ông vẫn đã triệu tập một buổi hốt lý đài để bàn luận
vấn đề này. Buổi gặp mặt trở thành một trong những sự kiện quan
trọng nhất lịch sử Mông Cổ, bởi nó hội tụ mọi mối thù trong quá khứ
và tiên đoán sự tan vỡ của đế quốc của ông sau này.
Bên cạnh các con trai, Thành Cát Tư Hãn cũng mời cả những
người thân tín nhất tham gia buổi hội nghị, bởi ông cần được họ
đồng thuận và hỗ trợ để đảm bảo việc truyền ngôi sau khi qua đời.
Khi buổi họp bắt đầu, hai người con trai trưởng, Truật Xích và Sát
Hợp Đài, đều có vẻ căng thẳng như bẫy thép sắp sập. Nếu Oa
Khoát Đài xuất hiện đúng với tính cách của mình, chắc hẳn ông đã
uống vài ly và ngà ngà say, dù sẽ không say khướt trước mặt cha
mình. Đà Lôi, cậu con trai út, giữ im lặng và dường như đã biến mất
giữa các nếp vải lều, để các anh trai chiếm lĩnh sân khấu chính.
Thành Cát Tư Hãn mở đầu buổi hốt lý đài bằng việc giải thích
việc chọn người kế vị. Ông nói rằng “nếu các con trai ta đều muốn
làm Hãn, làm người cai trị mà không chịu hỗ trợ lẫn nhau, chẳng