nhận về người thông dịch và thầy thuốc Ba Tư cũng như khoảng
một vạn lính Nga để chiếm phần đất phía bắc kinh đô. Người Nga
định cư lại đây, và vẫn được nhắc tới trong ghi chép chính thức của
Trung Hoa cho tới lần cuối vào năm 1339.
Dù có bất đồng chính trị giữa các nhánh gia tộc về vị trí Khắc
hãn, hệ thống kinh tế và thương mại vẫn tiếp tục hoạt động với chỉ
vài đợt ngắt quãng ngắn vì giao tranh lẻ tẻ. Đôi lúc, ngay cả giữa
chiến trận, hai bên vẫn cho phép trao đổi các phần chia lời này. Hải
Đô, cháu trai của Hãn Oa Khoát Đài và là người cai trị vùng thảo
nguyên trung tâm, thường xuyên nổi dậy chống lại Hốt Tất Liệt.
Song Hải Đô cũng sở hữu nhiều nghệ nhân và nông dân quanh
thành phố Nam Kinh. Giữa các trận đánh Hốt Tất Liệt, Hải Đô sẽ
nhận hàng hóa từ Nam Kinh, và có lẽ để đổi lại, cũng cho phép Hốt
Tất Liệt thu thập phần ngựa và các món hàng khác từ các bộ lạc
thảo nguyên. Việc chia Đế chế Mông Cổ thành bốn khu vực hành
chính lớn – Trung Hoa, Mogulistan, Ba Tư và Nga – không làm giảm
nhu cầu hàng hóa từ các vùng khác, nếu không muốn nói là khiến
việc gìn giữ hệ thống chia phần cũ còn cần thiết hơn. Nếu một hãn
từ chối chia phần cho các thành viên khác trong gia đình, họ cũng sẽ
từ chối gửi ông phần từ lãnh thổ của họ. Lợi ích tài chính chung
vượt lên trên tranh chấp chính trị.
Sự luân chuyển hàng hóa liên tục dần biến đường hành quân
của Mông Cổ thành đường giao thương. Nhờ các ortoo hay yam liên
tục được mở rộng, tin tức, người và hàng hóa có thể được chở bằng